7 lý do khiến ảnh chụp bị mờ và 13 cách khắc phục

-

Một trong những vấn đề thường gặp, khiến các bạn dễ chán nản khi mới tập chụp ảnh, chính là ảnh chụp xong không sắc nét.

Các tình huống hay gặp

  • Đã cố gắng nín thở, cầm máy thật chắc nhưng ảnh vẫn không rõ nét
  • Chụp chân dung với người mẫu đang xoay đầu ở một góc 45 độ, tấm ảnh chỉ rõ nét ở một bên mắt, bên còn lại mờ nhòe
  • Chụp tĩnh vật như ly cà phê, cuốn sách, tai nghe v.v… thì ảnh chỉ rõ nét một phần
  • Chụp chủ đề đang di chuyển như người đi bộ, người chạy xe đạp, xe máy, chim v.v… bị mờ nhòe
  • Muốn chụp rõ nét nội dung A, nhưng ảnh ra lại nét ở nội dung B, dễ bắt gặp khi chụp các chủ đề có kích thước nhỏ
  • Kiểm soát nét tốt nhưng ảnh vẫn bị bệt màu, nhòe

Nguyên nhân

Tốc độ màn trập thấp

Nguyên nhân phổ biến nhất là do bạn không để ý đến chỉ số tốc độ màn trập trước khi chụp, nếu chụp với tốc độ quá thấp thì ảnh của chúng ta sẽ bị mờ nhòe, nhất là khi chụp vào ban đêm.

Trên tay Sony a7C II 04 1
Tốc độ trên màn hình đang hiển thị là 1/200 ở góc trái, bên dưới màn hình

Tốc độ màn trập mô tả khoảng thời gian màn trập mở ra để cho ánh sáng đi vào cảm biến trước khi chúng đóng lại, nên tốc độ càng chậm, chủ đề phơi sáng với cảm biến càng lâu, càng dễ bị mờ nhòe và ngược lại.

shutter speed

Xem lại kiến thức này tại: Tìm hiểu về tốc độ màn trập (Shutter Speed)

Vùng ảnh rõ mỏng

Vùng ảnh rõ là một thuật ngữ mô tả vùng rõ nét của tấm ảnh, tất cả chi tiết nằm ngang với điểm mà bạn lấy nét sẽ sắc nét nhất, còn trước và sau đó sẽ nét tương đối. Còn lại, những chi tiết nằm ngoài vùng ảnh rõ sẽ mờ nhòe.

Dộ sâu trường ảnh DOF Ontop.vn
Ảnh: Photographylife.com

Đây là các trường hợp hay gặp khiến vùng ảnh rõ của bạn nông cạn, không rõ nét hết nội dung như mong muốn:

  • Chụp ở khẩu độ lớn F2, F1.8, F1.4 và đứng ở rất gần chủ thể
  • Chụp với ống kính có tiêu cự trung bình, dài như 50mm, 85mm, 135mm trở lên, đứng cách chủ thể dưới 2m và dùng khẩu độ lớn F2, F1.8, F1.4

Xem lại kiến thức này tại: Tìm hiểu về độ sâu trường ảnh (Depth of field – DOF)

Sử dụng sai chế độ lấy nét

AF S

Máy ảnh thường sẽ có ba chế độ lấy nét sau:

  • AF-S: Chế độ lấy nét tự động đơn, tức là máy ảnh sẽ lấy nét vào chủ thể một lần khi bạn ấn nhẹ nút chụp (nửa cò). Sau khi đã khóa nét thì vùng ảnh rõ sẽ được cố định, nếu chủ đề hoặc bạn di chuyển, thì khả năng cao là nội dung mà bạn muốn chụp sẽ bị mờ nhòe, nhất là khi chụp với khẩu độ lớn F1.8, F2.
  • AF-C: Chế độ lấy nét tự động liên tục. Khi ấn nút chụp một nửa, máy ảnh sẽ tự động theo dõi chủ thể và dịch chuyển vùng ảnh rõ liên tục. Tuy nhiên, Nếu thiết bị có khả năng nhận diện yếu và quá chậm thì sẽ dễ khiến tấm ảnh của bạn bị mờ nhòe do nó theo không kịp tốc độ di chuyển của chủ thể hoặc nhận diện sai chỗ.
  • MF: Chế độ lấy nét thủ công hoàn, người chụp tự di chuyển vòng lấy nét để tịnh tiến vùng ảnh rõ. Người mới thường chọn nhầm sang chế độ này nên lay hoay mãi vẫn không thấy tấm ảnh rõ nét mà không hiểu vì sao.

Xem lại kiến thức này tại: Tìm hiểu các chế độ lấy nét trên máy ảnh

Sử dụng sai vùng lấy nét

Hiểu nhanh, vùng lấy nét là vùng mà người chụp muốn máy ảnh ưu tiên nhận diện, để lấy nét tự động. Thông thường, máy ảnh sẽ cung cấp cho người dùng ba vùng lấy nét sau:

  • Lấy nét điểm: Trên màn hình sẽ xuất hiện một chấm hoặc một ô vuông lấy nét nhỏ
  • Lấy nét vùng: Vùng nhận diện to hơn
  • Lấy nét toàn khung: Máy ảnh sẽ tự nhận diện và lấy nét tự động trên toàn bộ số điểm lấy nét

Trong vùng lấy nét mà bạn chọn, máy ảnh sẽ ưu tiên lấy nét tự động vào những khu vực có tương phản sáng tối và màu sắc cao. Vì thế, khi chụp với vùng ảnh rõ nông, mà bạn không kiểm soát vùng lấy nét cho kỹ thì tấm ảnh sẽ sắc nét ở nội dung không mong muốn.

ISO cao

Ảnh chụp bằng Canon EOS R6 Mark II 3
Tấm ảnh nhiễu hạt nặng tại ISO 25.600

Một lý do nữa là do bạn chụp với ISO cao, từ 3200 trở lên với máy ảnh dùng cảm biến APS-C và từ 6400 với máy ảnh dùng cảm biến Full Frame. Hiện tượng này dễ thấy nhất trên các tấm ảnh chụp vào ban đêm.

Xem lại kiến thức này tại: Tìm hiểu về ISO máy ảnh

Hạ máy hoặc vung máy ngay sau khi chụp

Sau khi ấn chụp, bạn nên giữ máy cố định hoặc di chuyển nhẹ nhàng, tránh vung tay hoặc quơ máy một cách đột ngột, việc này sẽ khiến ảnh của bạn bị mờ nhòe.

Ống kính

Nếu bạn đã kiểm soát tốt 6 yếu tố trên mà ảnh vẫn không rõ nét thì khả năng cao là do ống kính:

  • Khi chụp với khẩu độ lớn như F1.2, F1.4, F1.8 thì phần lớn ống kính sẽ cho ảnh không quá sắc nét, chưa kể là dễ xảy ra các hiện tượng ảnh bị tối góc hay viền tím. Bạn so sánh độ sắc nét ở hai ảnh trên sẽ rõ.
  • Ống kính bị đọng sương hay do mồ hôi, vân tay bám trên bề mặt thấu kính

Cách khắc phục

  1. Dù chụp ở chế độ chụp ảnh nào, bạn hãy nhớ để ý ba thông số: Khẩu độ, Tốc độ, ISO trước khi chụp
  2. Sử dụng tốc độ màn trập an toàn khi chụp tĩnh vật, mình có một kinh nghiệm là chọn tốc độ màn trập ngang với tiêu cự ống kính. Ví dụ: Chụp ở tiêu cự 50mm thì dùng tốc độ màn trập thấp nhất là 1/50s, nếu máy ảnh dùng cảm biến APS-C thì nhân thêm 1.5, lúc này tốc độ màn trập là khoảng 1/80s.
  3. Sử dụng tốc độ màn trập cao khi chụp vật chuyển đông, kinh nghiệm của mình là 1/160s – 1/250s cho người đi bộ hoặc chạy bộ, 1/250s – 1/500s với xe máy, ô tô và từ 1/500s trở lên khi chụp ảnh thể thao. Ở đây có một điểm cần chú ý, vật chuyển động càng chiếm nhiều diện tích trên khung ảnh bao nhiêu thì cần tốc độ màn trập càng cao bấy nhiêu
  4. Chụp chân dung đặc tả đầu vai với ống kính từ 50mm trở lên thì sử dụng khẩu độ f/5.6 ~ f/8.0 để đảm bảo người mẫu được rõ nét đầy đủ ở cả hai mắt.
  5. Chụp chân dung với khẩu độ lớn F1.4, F1.8 để có hiệu ứng xóa phông thì nên đứng cách mẫu từ 2m trở lên để đảm bảo người mẫu rõ nét từ mắt, tóc, đến vai
  6. Chụp với vùng ảnh rõ mỏng thì bạn nên chọn vùng lấy nét điểm hoặc vùng có kích thước nhỏ để kiểm soát vùng lấy nét như mong muốn
  7. Để ý máy mình đang dùng chế độ lấy nét nào trước khi chụp
  8. Khi chụp vật di chuyển qua lại, lên xuống thì nên xài chế độ lấy nét AF-C
  9. Chụp ban đêm hay trong môi trường thiếu sáng mà muốn có ISO thấp thì trang bị thêm chân máy hoặc dùng ống kính có khẩu độ lớn
  10. Vệ sinh thiết bị trước buổi chụp
  11. Nếu ống kính của bạn ở phân khúc tầm trung đổ lại thì đừng chụp với khẩu độ tối đa, hãy khép 1 khẩu để ảnh sắc nét.
  12. Tìm điểm tựa, hoặc chọn một tư thế chụp vững vàng để giữ máy ổn định
  13. Tránh di chuyển máy đột ngột sau khi chụp, trừ khi bạn đang chụp với tốc độ cực nhanh từ 1/1000s trở lên.

Xem thêm: Bộ ba ống kính mà những người chụp ảnh nên có

Bài liên quan