Tìm hiểu các chế độ lấy nét trên máy ảnh – Nhiếp ảnh cơ bản ONTOP

-

Sau khi tìm hiểu về vùng ảnh rõ (Depth of Field – DOF) và các yếu tố tác động đến nó thì chủ đề tiếp theo của chúng ta sẽ là các chế độ lấy nét trên máy ảnh. Đây là một kiến thức cần nắm để bạn chụp ảnh không bị mờ nhòe do sử dụng chế độ lấy nét không đúng cách.

Các máy ảnh kỹ thuật số ngày nay, từ máy ảnh DSLR đến Mirrorless đều cung cấp cho người dùng nhiều chế độ lấy nét khác nhau, chia thành hai nhóm là lấy nét tự động (AF-S, AF-C) và lấy nét thủ công (MF).

AF-S (Autofocus Single)

AF-S là chế độ lấy nét tự động đơn, tức là máy ảnh sẽ lấy nét vào chủ thể một lần khi bạn ấn nhẹ nút chụp (nửa cò). Sau khi đã khóa nét thì vùng ảnh rõ sẽ được cố định, nếu chủ đề hoặc bạn di chuyển, thì khả năng cao là nội dung mà bạn muốn chụp sẽ bị mờ nhòe, nhất là khi chụp với khẩu độ lớn F1.8, F2.0.

Sử dụng AF-S khi nào?

Nguyễn Thiện Thuật 12

Chủ đề đứng yên hoặc di chuyển với biên độ rất nhỏ, ví dụ như chụp một ly cà phê, chụp kiến trúc, phong cảnh v.v… Khi chụp chân dung, nếu người mẫu không di chuyển qua lại hay lên xuống liên tục thì dùng chế độ AF-S được.

Ngoài ra, bạn có thể khóa nét trước vào một điểm gần nơi mà bạn nghĩ rằng chủ thể sẽ xuất hiện ở đấy, đây là một cách rất hay khi chụp ảnh đường phố. Như hai tấm ảnh bên dưới, mình đã khóa nét vào tay vịn cầu thang rồi chờ chủ thể xuất hiện.

Nguyễn Thiện Thuật
Nguyễn Thiện Thuật 8

Lưu ý khi dùng AF-S

Khi bạn đã nhấn nửa cò, khóa nét vào nội dung muốn chụp thì hạn chế di chuyển hay rung tay để có một tấm ảnh rõ nét. Trường hợp chọn sai điểm lấy nét hoặc đổi nội dung thì nhả nút chụp ra và lấy nét lại.

AF-C (Autofocus Continuous)

AF-C là chế độ lấy nét tự động liên tục. Khi ấn nút chụp một nửa, máy ảnh sẽ tự động theo dõi chủ thể và dịch chuyển vùng ảnh rõ liên tục. Với chế độ này thì dù chủ đề hay bạn có di chuyển thì tấm ảnh được chụp vẫn sắc nét. Một số máy sử dụng tên khác cho chế độ này, như Canon hay là Servo AF.

Sử dụng AF-C khi nào?

Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 04
Tấm này mình đưa vùng lấy nét vào đôi bò đang di chuyển với chế độ AF-C

Chủ đề di chuyển liên tục hay xuất hiện trong khung ảnh một cách bất ngờ và khó đoán. Chế độ này được ứng dụng nhiều nhất khi chụp ảnh thể thao, đời sống hoang dã.

Đôi bò di chuyển với tốc độ nhanh từ xa đến, mình dùng AF-C để đảm bảo các tấm ảnh rõ nét.

Nguyễn Thiện Thuật 14
Cô bán bánh mì chào di chuyển và thao tác liên tục nên chọn AF-C để máy bám theo

Nếu bạn chụp ảnh chân dung mà nội dung là người mẫu đang di chuyển lên xuống, qua lại liên tục thì có thể sử dụng chế độ này. Bạn cũng có thể kết hợp tính năng tự nhận diện mắt/ mặt người (nếu có) với chế độ này.

Lưu ý khi dùng AF-C

AF-C là một chế độ rất hay của máy ảnh kỹ thuật số nhưng nó phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng của thiết bị mà bạn đang sử dụng. Nếu thiết bị có khả năng nhận diện yếu và quá chậm thì sẽ dễ khiến tấm ảnh của bạn bị mờ nhòe do nó theo không kịp tốc độ di chuyển của chủ thể hoặc nhận diện sai chỗ.

Bạn cũng đừng quá lo lắng, các máy ảnh kỹ thuật số ngày nay mình thấy đáp ứng tốt hầu hết các tình huống chụp hàng ngày rồi, chỉ khi chủ thể có tốc độ di chuyển quá nhanh như xe đua, chim v.v… thì mới cần chú ý.

MF (Manual Focus)

MF là chế độ lấy nét thủ công, tức là người dùng sẽ tự xoay vòng lấy nét trên ống kính (ống kính nào cũng có vòng này) để tịnh tiến vùng ảnh rõ theo ý muốn của mình. Khi chuyển sang chế độ MF này, nút chụp sẽ không còn cơ chế ấn nửa cò để khóa nét nữa, ấn là chụp luôn.

Sử dụng MF khi nào?

Ảnh chụp bằng Sigma 70 200 f2.8 30 1
Chủ thể ở sau tấm lưới sẽ khiến máy ảnh khó nhận diện chính xác

Chủ đề bạn muốn chụp có bối cảnh phức tạp, khó chọn vị trí lấy nét phù hợp. Ví dụ, chụp một người phía sau một tấm lưới sắt nhỏ.

VOIGTLANDER NOKTON 50MM F1.0 ASPHERICAL cho Canon RF ONTOP.vn 2
Ống kính lấy nét thủ công VOIGTLANDER NOKTON 50MM F1.0 ASPHERICAL

Xoay vòng lấy nét đến vị trí mà bạn nghĩ chủ đề sẽ xuất hiện, ứng dụng rất tốt khi chụp ảnh đường phố.

Chế độ này cũng rất hợp khi quay video, nhất là những cảnh mà người quay muốn chuyển vùng nét từ A sang B một cách chính xác, mượt mà.

Lưu ý khi dùng MF

So với các chế độ lấy nét tự động thì MF khó sử dụng hơn, cần nhiều thời gian luyện tập để thành thạo. Bạn nào mới sử dụng máy ảnh mà ấn nút chụp mà không thấy máy báo khóa nét hay chụp mãi mà ảnh không rõ nét thì coi thử xem là mình có đang để chế độ MF này hay không nha, mình thấy nhiều người bị lắm.

xt4
Các máy Fujifilm thường để một cần gạt có ký hiệu M, C, S ở phía trước, người mới thường gạt nhầm sang M (MF) dẫn đến tình trạng mình vừa đề cập.

Như đã chia sẻ ở trên, mỗi chế độ sẽ có cách hoạt động khác nhau, phù hợp với từng tình huống chụp khác nhau, bạn nên tùy cơ ứng biến trong quá trình chụp thực tế. Cuối cùng, bạn sẽ chuyển đổi giữa AF-S, AF-C, MF rất nhiều khi chụp ảnh, nên cần nắm rõ thao tác hoặc gán tính năng này trên máy ảnh sao cho dễ nhớ, thuận tay.

Xem thêm:

Bài liên quan