Liệu nhiếp ảnh đơn giản là việc cầm máy ảnh rồi bấm nút chụp hay còn gì khác?
Nhiếp ảnh là gì?
Nhiếp ảnh là phương pháp khoa học và phương pháp thực hành nghệ thuật bằng cách tạo ra hình ảnh bởi việc ghi lại ánh sáng bằng cách sử dụng máy ảnh kỹ thuật số hoặc sử dụng phim. Thuật ngữ “nhiếp ảnh” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vẽ bằng ánh sáng”.
Dần dần, nhiếp ảnh thoát khỏi cái mác ‘vẽ bằng ánh sáng’, nhiếp ảnh gia đưa vào tấm ảnh ý niệm hoặc thông điệp qua một khoảnh khắc, một bối cảnh hoặc một chủ thể cụ thể. Các kỹ thuật về bố cục, phơi sáng và lấy nét thuộc về phần hình thức để tạo ra một tấm ảnh hấp dẫn người xem. Những bức ảnh có thể truyền tải cảm xúc, kể chuyện, tự sự và ghi lại vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Nhiếp ảnh có nhiều thể loại, bao gồm nghệ thuật, báo chí, khoa học, quảng cáo và tư liệu.
Tuy nhiên, hiện nay nhiếp ảnh không còn đứng độc lập. Nhiều nhiếp ảnh gia kết hợp giữa ảnh chụp với tranh vẽ, nghệ thuật collage (cắt ghép), kiến trúc, installation art, … Bên cạnh đó, với sự phát triển của Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo) trong việc tạo ra hình ảnh, bối cảnh nhiếp ảnh và hình ảnh sẽ còn thay đổi khôn lường trong tương lai gần.
Nên tiếp cận nhiếp ảnh như thế nào?
Chụp cho ‘vui’
Khi người mới bắt đầu, bạn xem nhiếp ảnh là một cách thức giải trí hay phương pháp ‘chữa lành’ khỏi những lo âu từ cuộc sống hiện đại.
Người mới bắt đầu chụp ảnh thường bị ấn tượng bởi sự ‘độc đáo’ của nhiếp ảnh so với những thể loại khác, hay đơn giản hơn là thích máy ảnh. Ảnh film hiện nay đang trở thành trào lưu bởi nhiều người thích sự hoài cổ, đậm chất thơ của loại hình ảnh này.
Chụp để ‘kiếm sống’
Khi theo đuổi nhiếp ảnh trong một thời gian nhất định, bạn nắm vững được kỹ thuật để khiến tấm ảnh trông cuốn hút. Sau đó, bạn quyết định rằng nên sử dụng những kỹ thuật này như một công cụ hiệu quả cho nguồn thu nhập chính. Đây được xem là nhiếp ảnh thương mại.
Có rất nhiều thể loại trong nhiếp ảnh thương mại: cưới, thời trang, sản phẩm, chân dung, …
Cần lưu ý rằng, không phải ai cầm máy ảnh cũng được gọi là nhiếp ảnh gia. Nhiều người chụp thương mại hiện nay vẫn chỉ được xem là ‘thợ chụp’ vì hình ảnh của họ thiên về sự bắt mắt đến từ hình thức mà thiếu đi chất riêng hoặc thông điệp. Đây được xem là tấm ảnh ‘rỗng ruột’.
Chụp ảnh nghệ thuật
Ảnh nghệ thuật là tấm ảnh có chiều sâu về nội dung, có sự gợi mở. Tấm ảnh này cung cấp cho người xem thông tin mới và khiến họ có cảm giác ‘ngưỡng mộ’ nhiếp ảnh gia, nói cách khác là được truyền cảm hứng bởi hình ảnh.
Một điểm đáng được đề cập là cách thức này không ‘cao cấp’ hơn hai cách thức đã nêu. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đều bắt đầu bằng việc chụp cho ‘vui’. Bên cạnh đó, cần biết rằng không có sự phân biệt giữa ảnh nghệ thuật và ảnh thương mại, hai cách thức này chỉ khác biệt ở sự tham gia của bên thứ ba, là nhãn hàng.
Suy cho cùng, một tấm ảnh đẹp vẫn sẽ là một tấm ảnh đẹp dù cho bạn chụp theo cách thức nào đi chăng nữa. Một tấm ảnh đẹp là một tấm ảnh đúng khi nó: đúng mục đích, đúng kỹ thuật và đúng khoảnh khắc.
Cần biết những gì khi mới chụp ảnh
Kỹ thuật
Khi mới bắt đầu chụp ảnh, bạn cần nắm được các thông số cơ bản máy ảnh, bao gồm: F, ISO và Speed. Bên cạnh đó, flash rời cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc phơi sáng.
Bạn có thể xem lại bài đầu tiên trong chuỗi bài viết: Nhập môn: Bắt đầu nhiếp ảnh như thế nào? (Phần 0)
Kiến thức nền tảng
Để thật sự đi sâu vào nhiếp ảnh một cách nghiêm túc, bạn cần chuẩn bị cho mình ‘túi hành trang’ cơ bản về ba yếu tố cơ bản của tấm ảnh và bổ sung cho mình kiến thức về nghệ thuật, nghệ thuật thị giác.
Ánh sáng
Nhiếp ảnh từng được xem là việc ‘vẽ bằng ánh sáng’, vì vậy ánh sáng là yếu tố cơ bản và quan trọng cấu tạo nên một tấm ảnh đẹp mắt. Cụm từ ‘ánh sáng’ đề cập trực tiếp đến việc chiếu sáng chủ thể. Một ánh sáng tốt có thể cải thiện mood và tông màu của ảnh, tạo chiều sâu, đồng thời thu hút sự chú ý của người xem vào chủ thể. Có 2 loại đó là ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
Bố cục
Bên cạnh ánh sáng, bố cục cũng là kỹ thuật không thể thiếu để tạo nên tấm ảnh đẹp. Bố cục đơn giản là cách bạn sắp xếp các vật thể xuất hiện trong ảnh một cách thuận mắt và ‘dẫn dắt’ người xem tập trung vào chủ thể chính. Các bậc thầy về bố cục thực chất không phải nhiếp ảnh gia, mà là những họa sĩ. Vì vậy, bố cục nhiếp ảnh hiện nay phần nào được thừa kế từ mỹ thuật. Đối với nhiếp ảnh đương đại chú trọng ý niệm hơn hình thức, một tấm đẹp chỉ cần đáp ứng bố cục chỉnh chu, không thừa chi tiết.
Màu sắc
Nhắc tới ánh sáng, không thể không nhắc tới màu sắc.
Màu sắc không chỉ là yếu tố nhằm ‘tô điểm’ cho tấm ảnh, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến mood của ảnh và cảm xúc của người xem. Bằng cách chú ý kỹ đến yếu tố này, các nhiếp ảnh gia có thể tạo ra những bức ảnh không chỉ chính xác về mặt kỹ thuật mà còn gây ấn tượng mạnh về mặt hình ảnh và khơi gợi cảm xúc.
Nói tới màu sắc trong nhiếp ảnh, sẽ có 2 khía cạnh bạn cần quan tâm đó là Color theory (lý thuyết về màu sắc) và Color grading (Chỉnh màu cho hình ảnh).
Ba yếu tố cơ bản này thường được những người học nhiếp ảnh chú trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức tấm ảnh và người xem. Tuy nhiên, những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp còn sử dụng các yếu tố này để truyền tải nội dung và thông điệp một cách hết sức tinh tế.
Kiến thức về thị giác & Nghệ thuật
Để bổ trợ trong việc học nhiếp ảnh, bạn cũng nên bổ sung cho mình những kiến thức về nguyên lý thị giác hay các nguyên tắc trong thiết kế để tạo ra các tác phẩm hiệu quả và hấp dẫn về mặt trực quan. Những nguyên tắc này giúp tổ chức các yếu tố theo cách truyền đạt thông điệp hoặc kể một câu chuyện cho người xem. Một số nguyên tắc hình ảnh phổ biến nhất được sử dụng trong nghệ thuật và thiết kế bao gồm: cân bằng, tương phản, nhất quán, sự phân bổ tỷ lệ, sự lặp lại hoặc nhấn mạnh một yếu tố cụ thể.
Trải nghiệm từ cuộc sống
Học nhiếp ảnh không chỉ là việc học mỗi nhiếp ảnh. Nhiều người hẳn đã quên đi điều này, nhưng khi bạn đọc được bài viết này thì hãy thực hiện ngay.
Việc học những kiến thức khác sẽ giúp bạn xây dựng góc nhìn cá nhân độc nhất vô nhị, từ đó phát triển cá tính riêng về hình ảnh và xây dựng nội dung có chiều sâu. Nghệ thuật, triết học, lịch sử,.. hay bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn yêu thích hay có hứng thú đều giúp bạn thực hiện điều này.
Tóm lại, chụp ảnh thì dễ và nhanh, nhưng nghiêm túc học nhiếp ảnh thì không hề dễ dàng. Bạn phải chuẩn bị cho mình rất nhiều kiến thức cơ bản không chỉ về nhiếp ảnh mà còn về cuộc sống. Chính vì thế, một số nhiếp ảnh gia tuy bắt đầu với nhiếp ảnh ở độ tuổi xế chiều nhưng hình ảnh của họ lại có ‘độ nặng’ đánh bật cả những nhiếp ảnh gia trẻ tuổi chụp lâu năm bởi vì họ đã chuẩn bị cho mình ‘túi hành trang’ khổng lồ được tích góp từ tốn qua nhiều năm sống và trải nghiệm.
Kết
Bởi vậy, rượu lâu năm mới là rượu quý, bạn không thể mong cầu mình trở thành nhiếp ảnh gia trong khi mới bắt đầu tiếp cận nhiếp ảnh. Một yếu tố khác mà từ đầu không được đề cập nhưng nó lại góp phần lớn trong thành công của nhiều nhiếp ảnh gia, đó là sự kiên nhẫn.
Khởi đầu lúc nào cũng đầy khó khăn, nhưng không phải là bạn không thể thực hiện.– Beyond Photography
Nguồn: Beyond Photography