Tốc độ màn trập (Shutter Speed) là một trong ba thông số cài đặt quan trọng nhất khi chụp ảnh. Thông số này ngoài việc ảnh hưởng đến lượng ánh sáng đi vào cảm biến, thì nó còn mang lại những hiệu ứng hình ảnh thú vị là đóng băng chuyển động ở tốc độ nhanh, hay làm mờ chuyển động ở tốc độ chậm. Mời bạn đọc bài viết để hiểu hơn về thông số này và cách sử dụng nó khi chụp ảnh.
Màn trập là gì?
Màn trập (Shutter) hay còn gọi là cửa trập, là lớp màn bằng kim loại được đặt trước cảm biến với máy ảnh kỹ thuật số hoặc bề mặt phim đối với máy dùng film. Nó là bộ phận quan trọng của máy ảnh, kiểm soát lượng ánh sáng đi vào cảm biến. Màn trập luôn luôn mở cho đến khi nào bạn bấm nút chụp.
Màn trập có 2 loại:
- Màn trập nằm trong thân máy (focal plane shutter) gồm hai màn đen bằng nhiều lá thép kết hợp xếp chồng khít lên nhau để cản sáng. Khi bấm nút trập, tấm thứ nhất dịch chuyển sang một bên để lộ mặt bộ cảm biến ra ánh sáng, sau khoảng thời gian ấn định thì tấm thứ hai dịch chuyển theo tấm thứ nhất che kín mặt bộ cảm biến lại, kết thúc việc lộ sáng (chụp xong một tấm ảnh).
- Màn trập nằm trong ống kính (leaf shutter) thường kiêm luôn vai trò khẩu độ. Khi nhấn nút trập (shutter release), vòng các lá thép mở ra theo kích thước khẩu độ để ánh sáng đi vào cảm biến, sau đó đóng lại sau thời gian do người dùng cài đặt, kết thúc việc lộ sáng.
Tốc độ màn trập
Tốc độ màn trập mô tả khoảng thời gian màn trập mở ra để cho ánh sáng đi vào cảm biến trước khi chúng đóng lại, được ký hiệu trên máy ảnh là con số tỷ lệ so với 1 giây, như 500 nghĩa là 1/500 giây. Các chỉ số thông thường chỉ tốc độ màn trập: 30s – 15s – 8s – 4s – 2s – 1s – 2 – 4 – 8 – 15 – 30 – 6 – 125 – 250 – 500 – 1000 – 2000 – 4000 – 8000 …
- Mẫu số càng cao thì tốc độ càng nhanh và ngược lại

- Mỗi nấc tốc độ tương ứng thời gian màn trập mở nhanh gấp đôi nấc đứng trước nó và bằng 1/2 nấc đứng sau nó. 1/125 nhanh gấp đôi tốc độ 1/60 và 1/250 nhanh gấp đôi 1/125 chẳng hạn.
- Màn trập còn có thể thiết đặt tốc độ B (Bulb) hay T (Time). Khi chọn tốc độ này, chừng nào nút bấm chụp còn nhấn xuống thì màn trập còn mở ra cho cảm biến lộ sáng.
Tốc độ màn trập được hiển thị ở đâu trên máy ảnh?

Tùy vào thiết kế của mỗi máy mà tốc độ màn trập có vị trí và cách hiển thị khác nhau. Có máy ảnh hiển thị ngắn gọn là 200, có máy thì đầy đủ 1/200. Khi tốc độ lớn hơn 1 giây, nó sẽ thêm ký hiệu ngoặc kép, như: 15”, 30”.
Tốc độ màn trập ảnh hưởng thế nào đến hình ảnh?

Cơ bản nhất, tốc độ màn trập ảnh hưởng đến lượng ánh sáng đi vào cảm biến:
- Tốc độ càng chậm, ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều – tấm ảnh sẽ sáng lên nếu ISO và khẩu độ giữ nguyên.
- Ngược lại, tốc độ càng nhanh thì ánh sáng đi vào cảm biến càng ít – tấm ảnh sẽ tối dần đi nếu ISO và khẩu độ giữ nguyên.

Tiếp theo, chỉ số này ảnh hưởng đến hiệu ứng hình ảnh:
Tốc độ chậm
Tốc độ màn trập chậm, khiến cảm biến máy ảnh lộ ra trong trong thời gian lâu nên các chuyển động của chủ thể sẽ được in lên cảm biến liên tục, từ đó tạo thành các việt mờ nhòe nếu chụp các phương tiện giao thông, người chạy bộ v.v… Người chụp ảnh thường xuyên dùng tốc độ chậm đến hàng chục giây, hàng phút để tạo ra mặt nước phẳng lặng, hay dòng thác mịn như lụa, xem các ảnh sau sẽ rõ hơn.



Để chụp ảnh với tốc độ chậm để tạo ra các hình ảnh giống ở trên, người chụp ảnh cần trang bị Tripod để tấm ảnh không bị mờ nhòe đối với các nội dung tĩnh như tòa nhà, hàng cây. Ngày nay, với các máy ảnh được trang bị khả năng chống rung rất tốt nên người dùng có thể chụp cầm tay với tốc độ chậm từ 1s đến 1/30s mà không sợ khung hình bị rung lắc. Tấm ảnh bên dưới được chụp cầm tay với máy ảnh Fujifilm X-T5 – có chống rung trong thân máy.


Một ứng dụng khác của tốc độ màn trập chậm khi chụp ảnh – Chụp lia máy (Panning), đây là kỹ thuật chụp ảnh giúp bạn thu được cảnh đối tượng đang chuyển động rõ rét trong khi môi trường xung quanh mờ nhòe. Để chụp lia máy và có được tấm ảnh sắc nét đối với đối tượng đang chuyển động, bạn cần di chuyển máy với tốc độ bằng đúng tốc độ của vật di chuyển.
Tốc độ vừa và nhanh
Ngược lại, với tốc độ màn trập trung bình từ 1/50s, 1/100s trở lên, cảm biến lộ ra trong khoảng thời gian ngắn hơn nên chủ thể sẽ gần như được đóng băng trong khung hình. Tốc độ ở mức vừa và nhanh rất phù hợp với những người mới làm quen với máy ảnh.

Với những đối tượng bất động, như bạn muốn chụp một ly cà phê, hay cái máy ảnh đang được cầm yên như ảnh trên, thì không cần tốc độ màn trập quá nhanh để đóng băng chủ thể, mà chỉ cần mức vừa phải để đảm bảo ảnh không bị nhòe do tay của bạn bị rung.
Kinh nghiệm là bạn chọn tốc độ tương ứng với tiêu cự ống kính đang sử dụng, ví dụ ống kính bạn đang dùng có tiêu cự 50mm, thì tốc độ màn trập an toàn là từ 1/50s trở lên. Trường hợp nếu máy ảnh có khả năng chống rung tốt, thì có thể từ 1/30s, 1/40s trở lên.


Chủ thể càng di chuyển nhanh và chiếm nhiều diện tích khung ảnh bao nhiêu thì cần tốc độ cao bấy nhiêu để đóng băng chủ thể. Như hai tấm ảnh trên, đôi bò đang di chuyển rất nhanh về phía ống kính, gần lắp đầy khung ảnh nên cần tốc độ đến 1 phần ngàn giây để đóng băng chuyển động.

Với chủ thể di chuyển chậm như người đi bộ thì chỉ cần tốc độ vừa phải để đóng băng chuyển động.
Hiểu rõ những gì tốc độ màn trập tác động đến hình ảnh là rất quan trọng, đây là lý do phổ biến nhất khiến người mới sử dụng máy ảnh chụp ảnh bị mờ nhòe do không để ý đến chỉ số này. ONTOP mong rằng, bài viết này mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các bạn, hẹn mọi người ở bài viết tiếp theo.
Xem thêm: