Kinh nghiệm chụp ảnh không bị cháy sáng lúc trời nắng gắt

-

“Chụp ảnh sao không bị cháy sáng, cháy đen?” là vấn đề mà mình thấy khá nhiều bạn mới chụp ảnh gặp phải, nên mình soạn bài này để chia sẻ vài kinh nghiệm của bản thân, hy vọng là hữu ích với các bạn.

Nguyên nhân chính

Máy ảnh có khả năng chịu tương phản kém hơn mắt người rất nhiều. Trước khung cảnh có ánh sáng phức tạp, chênh lệch giữa vùng sáng, vùng tối cao thì mắt người có thể thấy được chi tiết ở cả hai vùng khá tốt, nhưng máy ảnh thì không. Ví dụ:

1 Khả năng chịu tương phản
ISO 100 – f/4.0 – 1/800s

Thời điểm mình chụp tấm này là 10:30 sáng, mặt trời đã lên cao, cường độ sáng mạnh nên khung cảnh có tương phản rất cao. Bạn nhìn vào mặt đất, vùng sáng và vùng tối có độ chuyển đột ngột.

Khi mình muốn tấm ảnh có chi tiết ở bên vùng sáng thì tán lá cây ở phía bên phải lại cháy đen, mất chi tiết.

2 Khả năng chịu tương phản
ISO 100 – f/4.0 – 1/500s

Nhưng khi mình vừa cho bức ảnh sáng lên, để lấy chi tiết cho tán lá cây thì bức tường bên trái tấm ảnh bắt đầu cháy sáng, màu sắc không còn đúng so với thực tế nữa.

Tương tự, hình vẽ con chim và bông hoa nằm ở hai vùng sáng tối có mức chênh lệch cao nên rất khó để chụp cho chúng đúng màu cùng lúc.

Vì vậy, với những tình huống chụp ngược sáng, cường độ sáng mạnh, tương phản cao thì nếu chúng ta không bật tính năng HDR, bù thêm ánh sáng hay hậu kỳ sau khi chụp xong thì chắc chắn ảnh của bạn sẽ bị tình trạng cháy sáng hoặc cháy đen.

Phương án xử lý

Chọn hậu cảnh phù hợp

Tránh chụp ngược nguồn sáng nếu bạn chưa biết cách để bù sáng như dùng tấm hắt sáng hay đèn Flash. Thay vào đó, bạn hãy chụp thuận sáng hoặc chọn hậu cảnh có màu tối hơn so với chủ đề cần chụp.

Hai ảnh trên mình chọn bông hoa là chủ đề chính và ảnh không qua hậu kỳ.

  • Ảnh 1: Chụp ngược sáng, hậu cảnh là bầu trời nên khi bông hoa đủ sáng thì hậu cảnh mất hết chi tiết.
  • Ảnh 2: Chụp ngược sáng, hậu cảnh là tán lá cây có màu xanh đậm, lúc này bức ảnh đã hài hòa hơn.

Cài đặt máy ảnh

  • Chế độ chụp ảnh: Chọn chế độ ưu tiên khẩu độ (A/ Av) để máy tự đo sáng và quyết định thông số tốc độ. Khung ảnh có ánh sáng không ưng ý thì bạn dùng bù trừ EV để thay đổi.
  • Định dạng ảnh: Chọn RAW để về hậu kỳ dễ hơn. Nếu bạn chưa biết hậu kỳ thì chụp với định dạng JPEG và bật tính năng HDR trên máy ảnh lên, cách này sẽ giảm chất lượng của ảnh đôi chút.
  • Shutter Type: Auto (Tự chuyển giữa màn trập cơ và màn trập điện tử). Màn trập cơ sẽ có tốc độ màn trập tối đa thấp hơn nhiều so với màn trập điện tử.
màn trập xe4
Thông số tốc độ màn trập của máy Fujifilm X-E4

Vì vậy, khi bạn chụp vào ban ngày với khẩu độ lớn và màn trập cơ thì thông số tốc độ sẽ không đủ cao, dẫn đến ảnh bị cháy sáng.

Bây giờ, bạn thử quay lại tấm ảnh ở đầu bài rồi phân tích nguyên nhân và suy nghĩ thử hướng khắc phục nha.

Xem thêm: Kinh nghiệm chọn khẩu độ khi chụp ảnh chân dung

Bài liên quan