Kinh nghiệm chọn khẩu độ khi chụp ảnh chân dung

-

“Để khẩu bao nhiêu để nét nguyên người mẫu?” tưởng chừng là một câu hỏi đơn giản, nhưng việc chụp ảnh chân dung bị mờ nhòe một phần khuôn mặt là vấn đề mà đa phần những bạn mới chụp ảnh chân dung hay mắc phải, nhất là khi chụp với độ mở ống kính lớn F2.8, F2, F1.8 với các tiêu cự như 50mm, 85mm, 135mm để xóa phông hậu cảnh, nổi bật chủ thể.

Những nguyên nhân khiến tấm ảnh mờ nhòe và cách khắc phục do chọn sai điểm lấy nét, rung tay, chụp với tốc độ màn trập thấp, ống kính không chất lượng ở khẩu độ lớn v.v… thì mọi người xem lại ở đây.

Trong bài này, mình tập trung chia sẻ cho mọi người kinh nghiệm chọn khẩu độ để kiểm soát vùng ảnh rõ tốt hơn, từ đó ảnh chân dung toàn thân, bán thân, đặc tả của chúng ta rõ nét như ý.

Tham khảo nhanh

  • Toàn thân: F1.8, F2, F2.8 với hầu hết tiêu cự từ 200mm đổ lại
  • Bán thân: F1.4, F1.8 với các tiêu cự từ 85mm đổ lại và F2, F2.8 với tiêu cự từ 105mm đến 200mm
  • Đặc tả: F4, F5.6 với các ống kính có tiêu cự 85mm đổ lại và F8, F10 với các ống kính có tiêu cự từ 105mm đến 200mm

Chân dung toàn thân

Khẩu độ lớn an toàn: F1.8, F2, F2.8 với hầu hết tiêu cự từ 200mm đổ lại

Để chụp đầy đủ thân thể của người mẫu trong khung ảnh, thì đòi hỏi người chụp phải ở một vị trí khá xa. Với khoảng cách này, thì dù mọi người có chụp với khẩu độ lớn như F2, F1.4 thì vùng ảnh rõ vẫn đủ để chúng ta có một tấm ảnh rõ nét toàn thân.

Bạn đang sử dụng ống kính có tiêu cự 35mm, 50mm, 85mm, 135mm hay 70-200mm thì cứ thoải mái chụp toàn thân với độ mở lớn.

Chân dung bán thân

Khẩu độ lớn an toàn: F1.4, F1.8 với các tiêu cự từ 85mm đổ lại và F2, F2.8 với tiêu cự từ 105mm đến 200mm.

Với tiêu cự từ 85mm đổ lại, thì chụp bán thân với khẩu độ lớn sẽ giống với chụp toàn thân vừa đề cập ở trên, rất an toàn, không lo bị mất chi tiết cơ thể.

Chúng ta bắt đầu lưu ý khi chụp bán thân với tiêu cự từ 105mm trở lên, nếu mẫu đứng đối diện, song song với ống kính (ảnh trái) thì chụp khẩu độ lớn sẽ an toàn, nhưng khi mẫu nghiêng sang một bên quá nhiều (ảnh phải) thì chúng ta cần phải khép khẩu F4, F5.6 để chụp rõ nét các chi tiết trên cơ thể.

Mọi người dễ thấy, ảnh bên phải của mình có khẩu độ F2.8 nhưng vẫn mờ nhòe ở phần vai, nhưng do mặt của bạn nam rõ nét nên ảnh vẫn có thể dùng được.

Ảnh chụp bảo tàng áo dài ONTOP.vn 5
Tiêu cự 200mm, F4

Khi dùng tiêu cự tele 180mm trở đi, thì mình khuyên là mọi người nên dùng F4, F5.6, đừng ham chụp khẩu độ lớn ở dải tiêu cự tnày.

Chụp đặc tả

Khẩu độ an toàn: F4, F5.6 với các ống kính có tiêu cự 85mm đổ lại và F8, F10 với các ống kính có tiêu cự từ 105mm đến 200mm.

Góc chụp ảnh chân dung 12
Tiêu cự 200mm, F10

Khi chụp đặc tả đầu vai bằng các ống kính tele như 85mm, 135mm, 180mm, 200mm thì mọi người nên chọn khẩu độ F8, F10 để đảm bảo chủ thể rõ nét đầy đủ hai mắt.

Góc chụp ảnh chân dung 01
Tiêu cự 200mm, F7.1

Đây là tấm ảnh mình rất tiếc vì một bên mắt của bạn nữ bị nhòe, lúc chụp mình đã chủ quan với khẩu độ F7.1, đáng lẽ chọn F10 như mọi khi thì mình đã có tấm ảnh rõ nét cả hai mắt.

Ảnh chụp bằng 135mm F1.8 5
Tiêu cự 50mm, F1.8

Tấm này mình mở khẩu độ lớn vì ham lấy bokeh phía sau hậu cảnh, kết quả là một bên mắt của bạn nam bị mờ.

Hy vọng kinh nghiệm của mình trong bài này, sẽ giúp mọi người biết cách chọn khẩu độ phù hợp với từng ngữ cảnh chụp ảnh chân dung. Ngoài ra, mình khuyến khích mọi người xem thêm bài dưới đây để hiểu chi tiết hơn nữa.

Bài liên quan