Tìm hiểu khẩu độ ống kính trên máy ảnh (Aperture) – Nhiếp ảnh cơ bản ONTOP

-

Khẩu độ là một trong ba thông số của tam giác phơi sáng trên máy ảnh, bên cạnh Tốc độ màn trậpISO. Ngoài việc ảnh hưởng đến lượng ánh sáng đi vào bề mặt cảm biến/ bề mặt phim thì khẩu độ còn mang lại những hiệu ứng hình ảnh khác nhau. Mời bạn đọc bài viết để hiểu hơn về thông số này và cách sử dụng nó khi chụp ảnh.

Khẩu độ ống kính là gì?

Khẩu độ ống kính là độ mở của ống kính máy ảnh để cho ánh sáng đi qua và vào bên trong máy ảnh. Khẩu độ ở đây ý nói về đường kính của cửa điều sáng bên trong mỗi một ống kính, cửa điều sáng này được tạo ra từ các lá khẩu bên trong ống kính.

Khẩu độ của ống kính máy ảnh càng lớn thì lượng ánh sáng đi vào phần cảm biến càng nhiều và ngược lại. Thông số này được tăng giảm thông qua hoạt động đóng, mở của các lá khẩu.

Khẩu độ ống kính có ký hiệu như thế nào?

Khẩu độ ống kính được diễn đạt bằng một chỉ số f, chẳng hạn f/1.4 hoặc F1.4. Chỉ số f của một ống kính là một biểu thức toán học được dùng để xác định khẩu độ của tất cả các loại ống kính có độ dài tiêu cự khác nhau và cùng cho một giá trị lượng sáng đi qua như nhau.

Khẩu dộ ống kính 1
Ảnh: Wikipedia

Các chỉ số khẩu độ thường thấy khi bạn đi mua ống kính hiện nay là: f/1.0; f/1.4; f/2.0; f/2.8; f/4.0; f/5.6; ….; f/16; f/22. Lấy f/4.0 làm mốc, nếu mở khẩu lên f2.8 và giữ nguyên ISO, tốc độ màn trập thì lượng ánh sáng đi vào ống kính tăng gấp đôi. Ngược lại, khép khẩu xuống f/5.6 thì lượng ánh sáng đi vào ống kính giảm gấp đôi.

Trong cùng một hãng sản xuất, thì ống kính có khẩu độ càng lớn như f/1.4, f/2.0 thì càng đắt tiền do nó khó chế tạo hơn và người ta hay gọi đây là “Fast Len” hoặc “Ống kính tốc độ nhanh”. Ở đây cần chú ý, tốc độ của ống kính vừa đề cập khác với tốc độ lấy nét. Trong khi tốc độ lấy nét là khoảng thời gian lấy nét rõ chủ thể của thiết bị, thì tốc độ của ống kính mô tả khoảng thời gian ánh sáng đi vào bộ cảm biến/ bề mặt film.

Như vậy, Fast Len hay ống kính có tốc độ nhanh là ống kính cho nhiều ánh sáng đến với bề mặt cảm biến/ bề mặt film và ngược lại.

Khẩu độ hiển thị ở đâu trên máy ảnh?

IMG 1210
Thông số khẩu độ thường được đặt ở phía dưới màn hình, ngang hàng với tốc độ màn trập và ISO

Vì là thông số quan trọng nên khẩu độ được đặt ở vị trí nổi bật, dễ thấy ở trên tất cả các máy ảnh.

Ống kính một khẩu độ và ống kính nhiều khẩu độ

nikon z 35mm f 1 8 s lens review ontop.vn
Ống kính Nikkor Z 35mm f/1.8 S

Trên mỗi ống kính, nhà sản xuất đều có ghi rõ các thông số quan trọng nhất: Ngàm, Tiêu Cự, Khẩu Độ, Công Nghệ, Đường Kính Filter. Ví dụ ống kính Nikkor Z 35mm f/1.8 S ở trên là ống kính ngàm Z, thuộc dòng S – cao cấp của Nikon, có tiêu cự 35mm và khẩu độ f/1.8.

Đây là Fast Len hay ống kính tốc độ nhanh do nó có khẩu độ tối đa là f/1.8. Bên cạnh đó, ống kính cũng có khẩu độ nhỏ nhất. Nikkor Z 35mm f/1.8 S có khẩu độ nhỏ nhất là f/22. Bạn có thể dễ dàng xem các thông số này ở trên mạng hay trong sách hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.

Ống kính một khẩu độ

Đây là loại ống kính chỉ có một khẩu độ cho toàn dải tiêu cự với ống kính zoom – nhiều tiêu cự hay ống kính fix – ống kính một tiêu cự. Loại ống kính này thường có chất lượng quang học cao, khẩu độ lớn từ F4.0 trở lên. Ống kính có khẩu độ càng lớn thì càng đắt tiền.

Ống kính nhiều khẩu độ

Tamron 35 150mm F2 2.8 Nikon Z Ontop.vn 1
Tamron 35-150mm F/2-2.8 Di III VXD

Đây là loại ống kính có hai khẩu độ và chỉ có ở trên ống kính zoom – nhiều tiêu cự. Ví dụ ống kính Fujifilm XF 18-55mm f/2.8-4 R LM OIS có độ mở tối đa là f/2.8 tại tiêu cự 18mm và nhỏ nhất là f/4.0 tại tiêu cự 55mm. Ống kính hai khẩu độ thường có chất lượng quang học không bằng ống kính một khẩu độ nhưng nó có giá dễ tiếp cận hơn, kích thước cũng nhỏ nhẹ hơn, phù hợp với đại đa số người dùng phổ thông.

Ảnh hưởng của khẩu độ đến hình ảnh

Ảnh – ONTOP.vn

Khẩu độ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ảnh rõ hay còn gọi là độ sâu trường ảnh – Depth Of Field (DOF). Hiểu nhanh thì DOF chính là vùng không gian mà tất cả các nội dung của tấm ảnh sẽ rõ nét và mờ nhòe khi nằm bên ngoài. Chú ý, khẩu độ chỉ là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này ở bài viết sau.

Khẩu độ lớn

Ảnh dường phố Canon R6 Mark II 24
Ảnh chụp tại khẩu độ F1.8

Khi mở khẩu càng lớn, vùng ảnh rõ sẽ càng mỏng. Như tấm ảnh ở trên được chụp ở khẩu độ f1.8 nên hậu cảnh phía sau cô gái trở nên mờ nhòe, giúp cô gái nổi bật hơn, đồng thời giúp người xem tập trung vào cô gái và không bị phân tâm bởi các chi tiết khác. Bên dưới là một vài ảnh minh họa khác.

Nikon Z8 Lê Thu 4
Ảnh được chụp tại khẩu độ f/2.8

Khẩu độ f2.8 tuy cũng xóa phông nhưng không bằng so với f1.8 ở trên.

Khẩu dộ ống kính
Ảnh chụp tại khẩu độ f2.8

Khẩu độ lớn mang lại hình ảnh xóa phông bắt mắt, nên được nhiều người yêu thích, nhưng bạn cần lưu ý, khẩu độ càng lớn, vùng ảnh rõ càng nông nên tấm ảnh của bạn rất dễ bị mất nội dung. Ví dụ khi chụp một ly cà phê mà chụp góc xiên từ trên xuống thì khả năng cao ly nước chỉ rõ nét một phần ở phía trước, còn lại sẽ mờ nhòe, vì thế mà bạn sẽ không truyền tải đầy đủ nội dung của ly nước.

Khẩu dộ ống kính 2
Với f/1.4, chiếc hộp chỉ nét một phần ở rìa, phần còn lại sẽ mờ nhòe – Ảnh: Petapixel.com
Nikon 135mm F1.8S Plena Ontop.vn 1
Ảnh: Nikon

Ngoài ra, khi chụp với khẩu độ lớn từ f2 trở lên thì các ống kính sẽ tạo ra các bokeh ở hậu cảnh, hình dáng của bokeh thì tùy vào mỗi ống kính.

Khẩu độ nhỏ

Ngược lại, khẩu độ nhỏ từ f/4.0, f/5.6 trở xuống sẽ cho vùng ảnh rõ sâu, giúp người dùng có một tấm ảnh rõ nét từ trước ra sau. Khẩu độ này thường xuyên được sử dụng khi chụp ảnh sản phẩm, chân dung đặc tả, phong cảnh, thiên văn v.v…. Bên dưới là một vài ảnh minh họa.

Nikon Z8 Lê Thu 8
Ảnh chụp tại khẩu độ f/16

Ngoài ra, khi chụp với khẩu độ nhỏ ở hướng ngược lại với nguồn sáng như mặt trời, đèn đường v.v… thì bạn sẽ có được những tia sáng trông rất thú vị, tạo thêm điểm nhấn cho tấm ảnh.

Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 03 jpg

Hình dạng của tia sáng thì tùy vào mỗi ống kính, thường các ống kính có chất lượng quang học tốt sẽ cho tia đẹp.

Ảnh dường phố Canon R6 Mark II 25

Với ống kính tầm thấp thì dù mình có khép khẩu rất nhiều thì cũng không tạo được tia cho tấm ảnh.

Tổng kết

Hy vọng thông tin trong bài viết này giúp bạn hiểu hơn về khẩu độ ống kính, cách ký hiệu cũng như là các hiệu ứng hình ảnh mà nó mang lại. Từ đó, bạn có thể linh hoạt hơn trong việc chụp ảnh hay chọn mua ống kính phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân. Hẹn mọi người ở bài viết tiếp theo.

Xem thêm:

Bài liên quan