Tìm hiểu về độ sâu trường ảnh (Depth of field – DOF) – Nhiếp ảnh cơ bản ONTOP

-

Độ sâu trường ảnh (Depth of Field – DoF) hay còn được gọi là vùng ảnh rõ, là chủ đề tiếp theo mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong loạt bài nhiếp ảnh cơ bản Ontop.

Độ sâu trường ảnh (Depth of Field – DOF) là gì?

Độ sâu trường ảnh hay vùng ảnh rõ, là một thuật ngữ mô tả vùng rõ nét trong tấm ảnh. Nếu bạn muốn chủ đề của bạn rõ nét thì chúng phải nằm trong vùng này. Khi bạn lấy nét, thì ngoài điểm mà bạn cần muốn nét thì một số điểm phía trước điểm đó và phía sau điểm đó cũng rõ nét ở mức chấp nhận được.

Khi chụp ảnh chân dung ngoại cảnh, người ta thường chọn chụp với vùng ảnh rõ mỏng, để làm mờ hậu cảnh có nhiều chi tiết thừa, khiến người xem không tập trung vào người mẫu. Mọi người hay dùng từ xóa phông để diễn đạt cho việc này. Ngược lại, khi chụp ảnh kiến trúc, ảnh phong cảnh, người ta sẽ chọn vùng ảnh rõ dày để chụp một tấm ảnh rõ nét từ trước ra sau.

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh

Vùng ảnh rõ dày hay mỏng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Khẩu độ ống kính
  • Khoảng cách giữa máy ảnh, chủ đề, hậu cảnh
  • Tiêu cự ống kính
  • Kích thước cảm biến

Khẩu độ ống kính (Aperture)

Khẩu độ ống kính là độ mở của ống kính máy ảnh để cho ánh sáng đi qua và vào bên trong máy ảnh. Khẩu độ càng lớn thì ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều, đồng thời khiến vùng ảnh rõ càng mỏng và ngược lại. Mọi người xem lại bài này để hiểu rõ về khẩu độ ống kính: Tìm hiểu khẩu độ ống kính trên máy ảnh (Aperture).

Ở khẩu độ lớn là F1.8, vùng ảnh rõ rất mỏng nên chỉ có một phần của bông hoa sắc nét, còn lại sẽ mờ nhòe. Khi chúng ta khép khẩu lần lượt F8.0, F16 thì vùng ảnh rõ trở nên dày hơn, nhiều chi tiết trong tấm ảnh rõ nét hơn.

Khoảng cách giữa máy ảnh, chủ đề, hậu cảnh

Yếu tố thứ hai tác động đến độ sâu trường ảnh là khoảng cách. Nếu khoảng cách từ máy ảnh đến chủ đề càng ngắn hơn khoảng cách từ chủ đề đến hậu cảnh bao nhiêu, thì vùng ảnh rõ càng mỏng bấy nhiêu và ngược lại.

Cả hai tấm ảnh trên, đều có cùng khẩu độ, tiêu cự và khoảng cách giữa máy ảnh đến phông nền. Dễ dàng nhận thấy, khi mô hình ở gần máy ảnh thì phông nền phía sau mờ nhòe, nhưng khi để mô hình ra xa ống kính thì phông nền trở nên rõ nét hơn.

Thêm một ví dụ tương tự nữa nhưng mình thay đổi tiêu cự thành 135mm. Tấm ảnh bên phải có vùng ảnh rõ dày hơn do khoảng cách từ máy ảnh đến chủ đề dài hơn so với khoảng cách từ chủ đề đến hậu cảnh.

Tiêu cự ống kính

Nếu chúng ta giữ nguyên hai yếu tố vừa đề cập ở trên mà thay đổi qua lại giữa ống kính góc rộng và ống kính tele thì ống kính tele sẽ cho vùng ảnh rõ mỏng hơn.

Focal Length Comparison 1
Ảnh: Photographylife.com

Ở cùng khoảng cách lấy nét 2m và khẩu độ F2.8 thì ống kính 105mm có vùng ảnh rõ mỏng hơn khá nhiều so với ống kính 70mm.

Focal Length Adjusted
Ảnh: Photographylife.com

Tuy nhiên, ở đây có một điểm mọi người cần lưu ý. Ví dụ, hai ảnh trên được chụp với hai tiêu cự 35mm, 70mm nhưng lại có vùng ảnh rõ như nhau. Nguyên nhân là do khoảng cách chụp giữa hai ống kính là khác nhau. Mọi người nhìn hai tấm ảnh trên có hậu cảnh trông khác nhau là do hiệu ứng tiêu cự tạo ra chứ không phải là do vùng ảnh rõ mỏng hay dày.

Kích thước cảm biến

image 8

Cảm biến máy ảnh là một bộ phận có hàng triệu điểm ảnh hoặc điểm nhạy sáng để thu nhận ánh sáng thông qua ống kính, từ đó chuyển đổi dữ liệu thành các hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy và lưu trữ vào thẻ nhớ. Kích thước cảm biến máy ảnh ám chỉ đến kích cỡ của cảm biến trong máy ảnh. Nếu chúng ta giữ nguyên tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh vừa kể trên trong quá trình chụp, thì máy ảnh có cảm biến có kích cỡ càng lớn, thì sẽ có vùng ảnh rõ càng mỏng.

Cảm biếnHệ số cropPhysical Focal LengthEffective Focal Length*Khẩu độDoF
Full Frame1.0120mm120mmf/90.92m
APS-C1.580mm120mmf/91.42m
M4/32.060mm120mmf/91.91m
*Effective Focal Length = Physical Focal Length x Hệ số crop (Mình xin phép giữ nguyên tiếng anh vì chưa tìm ra cách dịch phù hợp)
Bảng số liệu: Photographylife.com

Như bảng trên, ta có thể thấy ở cùng thông số Effective Focal LengthKhẩu độ thì vùng ảnh rõ của cảm biến Full Frame mỏng hơn kha khá so với hai cảm biến có kích cỡ nhỏ hơn là APS-C và M4/3.

Tổng kết

Trong bốn yếu tố tác động trực tiếp đến độ sâu trường ảnh (Depth of Field – DOF) thì bạn sẽ không thay đổi được yếu tố kích cỡ cảm biến trừ khi bạn đổi máy ảnh nhưng bạn đừng quá lo lắng, ba yếu tố còn lại là đủ giúp chúng ta chụp được những tấm ảnh xóa phông rất đẹp rồi, với lại không phải lúc nào chúng ta cũng chụp ảnh xóa phông.

Mục đích mình soạn bài này là để bạn hiểu rõ độ sâu trường ảnh, từ đó áp dụng linh hoạt khi chụp ảnh, nên bạn không cần đi quá sâu vào chi tiết, cũng như tốn nhiều thời gian để tính toán chi li trong quá trình chụp thực tế. Hẹn mọi người ở bài viết tiếp theo.

Xem thêm:

Bài liên quan