Tìm Hiểu Cách Sử Dụng Các Chế Độ Chụp Ảnh – Nhiếp ảnh cơ bản ONTOP

-

Sau khi các bạn đã hiểu rõ được tam giác phơi sáng, thì bài viết này ONTOP sẽ chia sẻ cách điều khiển chúng thông qua các chế độ chụp ảnh.

Các chế độ chụp ảnh thường gặp

Máy ảnh sẽ cung cấp cho người dùng nhiều chế độ chụp khác nhau. Trong đó, hầu hết máy ảnh đều có 4 chế độ sau:

  • Manual: Ký hiệu M, chụp thủ công hoàn toàn. Với chế độ này, người dùng tự quyết định 3 thông số Khẩu độ ống kính (Aperture)Tốc độ màn trập (Shutter Speed) và ISO. theo nội dung và ánh sáng mà mình mong muốn.
  • Bán tự động – Ưu tiên Khẩu Độ: Ký hiệu A/ Av. Ở chế độ này, người dùng ưu tiên điều chỉnh Khẩu Độ để kiểm soát độ dày, mỏng của Vùng Ảnh Rõ (DOF). Ví dụ, chụp chủ thể với tiền cảnh và hậu cảnh bị mờ để làm nổi bật nội dung (DOF mỏng – Khẩu độ từ F1.2 đến F2.8) hay chụp tấm ảnh rõ nét từ trước ra sau khi chụp phong cảnh, sản phẩm (DOF dày – Khẩu độ từ F5.6 đến F11).
  • Bán tự động – Ưu tiên Tốc Độ Màn Trập: Ký hiệu S/ Tv. Với chế độ này, người dùng điều chỉnh Tốc Độ Màn Trập để chụp bắt cứng chuyển động nhanh của người chạy bộ, xe máy, ô tô, chim v.v.. hay tạo ra những vệt mờ kéo dài cho ra những hiệu ứng chuyển động độc đáo với tốc độ màn trập thấp.
  • Bán tự động – Program: Ký hiệu P, cá nhân mình gần như không sử dụng chế độ này. Ở chế độ P, máy ảnh sẽ tự động thiết lập Khẩu Độ và Tốc Độ Màn Trập, còn ISO sẽ do người dùng tự quyết định.
  • Tự động hoàn toàn – Auto: Ký hiệu A/ A+. Với chế độ này, máy ảnh sẽ tự làm chủ cả 3 thông số Khẩu Độ, Tốc Độ và ISO. Người dùng chỉ cầm máy lên và chụp thôi, mình cũng không sử dụng chế độ này vì mình không làm chủ được hiệu ứng do khẩu độ. tốc độ.

Khi chụp ở các chế độ Bán tự động (A hoặc Tv), sẽ có 2 trường hợp:

  • Tự chọn ISO cố định: người dùng điều chỉnh Khẩu Độ hoặc Tốc Độ, máy ảnh sẽ tự động đo sáng và báo 1 chỉ số còn lại.
  • Chọn ISO tự động: người dùng điều chỉnh Khẩu Độ hoặc Tốc Độ, máy ảnh sẽ tự động đo sáng và báo 2 chỉ số còn lại.

Cách Lựa Chọn Các Chế Độ Chụp Ảnh tối ưu

Trước hết, chế độ chụp ảnh không phản ánh trình độ của người chụp mà nó chỉ là phương tiện của người chụp sao cho phù hợp với ngữ cảnh mà họ đang chụp. Với cá nhân mình:

Mình sẽ chụp THỦ CÔNG, khi mình làm chủ hoàn toàn Nội Dung và Ánh Sáng lúc mình chụp, mình biết những gì đang và sẽ diễn ra. Ví dụ, khi mình chụp chân dung cho bạn của mình ở trong studio, mình kiểm soát được mọi thứ nên mình sẽ thiết lập máy thủ công để có tấm ảnh với Nội Dung và Ánh Sáng mà mình mong muốn, rồi cứ thế chụp cho đến khi mình muốn thay đổi. Chế độ THỦ CÔNG lúc này sẽ giúp mình có 1 bộ ảnh với ánh sáng đồng nhất, lọc hình và hậu kỳ dễ dàng. Trong quá trình chụp cũng khỏe, không phải đo sáng đi, đo sáng lại.

Mình sẽ chụp Tự Động/ Bán Tự Động, khi mình KHÔNG làm chủ được Nội Dung và Ánh Sáng lúc mình chụp. Những lúc đi du lịch, đi sự kiện hoặc đi chụp đường phố thì mọi thứ diễn ra nhanh, đột ngột, mình không biết sẽ có gì diễn ra nên mình cần lược giản tối đa thao tác máy của mình lại để mình tập trung cho việc quan sát và chụp hình. Hay khi chụp trong một môi trường có ánh sáng không đồng đều, mình không thể điều chỉnh máy liên tục cho kịp được nên mình sẽ chụp bán tự động, cho máy nó tự đo sáng, mình bù trừ EV cho nhanh.

Nếu mọi người nắm rõ những tác động mà Khẩu Độ, Tốc Độ Màn Trập, ISO mang lại cho tấm ảnh của mình thì mọi người sẽ linh hoạt và tự tìm ra cách vận hành thiết bị cho riêng mình sao cho thuận tay và tối ưu nhất, chế độ chụp chỉ là phương tiện.

Vài lưu ý

Vòng bù trừ EV chỉ sử dụng được với các chế độ chụp ảnh Tự Động. Khi chụp với chế độ bán tự động, người dùng giao toàn quyền việc đo sáng cho máy ảnh nên dù có chỉnh các thông số trong tam giác phơi sáng thì chỉ có nội dung lúc chụp là thay đổi, còn ánh sáng gần như giữ nguyên. Muốn tấm ảnh sáng lên hoặc tối đi, phải dùng bù trừ EV.

Bù trừ EV thực chất là máy ảnh sẽ tự tăng hoặc giảm các chỉ số còn lại dùm người chụp mà thôi. Ví dụ, khi chụp ở chế độ ưu tiên Khẩu Độ – chọn F2.0 – lúc này máy ảnh báo chỉ số lần lượt là: Tốc độ – 1/125, ISO – 800. Nếu người dùng bù trừ EV +1 thì tấm ảnh sẽ có các thông số sau: Khẩu độ F2.0; Tốc Độ – 1/120; ISO – 800; EV +1. NHƯNG, ý nghĩa thực sự của nó, có thể là: Khẩu độ F2; Tốc Độ – 1/125; ISO – 1600, bức ảnh có thể bị nhiễu hạt rất nhiều mà người dùng không rõ nguyên nhân.

Trường hợp khác, nếu người dùng chọn ISO cố định là 800 thì lúc này, chỉ số Tốc Độ – 1/125 thực chất là 1/60, chụp vật chuyển động nhanh sẽ bị mờ ngay.

Tuy các hệ máy sẽ có cách cài đặt các chế độ thủ công, tự động khác nhau một chút, như Fujifilm thì dùng vòng xoay ở cả ba thông số, nhưng vẫn dựa trên cơ chế là làm chủ một thông số, để máy hình quyết định các thông số còn lại hoặc làm chủ hoàn toàn ba thông số.

Xem thêm:

Bài liên quan