Một trong những điểm thú vị khi sử dụng máy ảnh Fujifilm, là người dùng có thể điều chỉnh các màu giả lập phim sẵn có, hoặc áp dụng các công thức được cộng đồng chia sẻ. Vì thời gian đầu, mình không rành thông số, nên áp dụng công thức rất máy móc, kiểu công thức ghi sao là mình để y chang vậy.
Kết quả là các tấm ảnh chụp ra không ưng ý, không giống với ảnh minh họa hay tệ nhất là ảnh có màu sắc kỳ quặc, không đẹp. Bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm mình đút kết được khi áp dụng các công thức giả lập.
Nguyên nhân khiến ảnh chụp khác với ảnh minh họa
- Khác địa điểm: Đây là nguyên nhân lớn nhất. Như ở Việt Nam, bạn chụp ảnh ở Đà Lạt thì thường ảnh sẽ đẹp hơn khi so với TP. HCM vì trên Đà Lạt có không khí trong lành hơn
- Khác thời điểm: Cùng một công thức nhưng tác giả chụp vào lúc bình minh, hay hoàng hôn thì ảnh đẹp hơn so với chúng ta chụp lúc giữa trưa nắng gắt. Chính vì khác thời điểm nên White Balance sẽ bị lệch, màu sắc sẽ bị ảnh hưởng.
- Khác thiết bị: Cùng một công thức nhưng tác giả dùng ống kính cao cấp thì ảnh đương nhiên có màu sắc đẹp hơn so với ảnh dùng ống kính phổ thông.
5 lưu ý khi áp dụng công thức
Đây là một công thức có sẵn mà bạn hay gặp ở trên mạng hay trang fujixweekly.com. Hãy chú ý vào những chỗ mình tô đậm.
- Tên: Kodak Portra 400
- Film Simulation: Classic Chrome
- Dynamic Range: DR400
- Highlight: 0
- Shadow: -2
- Color: +2
- Noise Reduction: -4
- Sharpening: -2
- Grain Effect: Strong, Small
- Color Chrome Effect: Strong
- Color Chrome Effect Blue: Weak
- White Balance: 5200K, +1 Red & -6 Blue
- ISO: Auto.
- Exposure Compensation: +1/3 to +1 (typically)
Film Simulation theo đời máy
Khi ra mắt máy mới, hãng thường sẽ bổ sung thêm màu giả lập cho riêng hệ máy đó để thu hút người dùng, ví dụ như màu Classic Negative được nhiều người thích nhưng chỉ có mặt trên các dòng máy dùng cảm biến X-Trans IV trở lên như X-E4, X100V, X-T4, X-S20 v.v…
Tương tự với một vài các thông số khác như Color Chrome Effect, Color Chrome Effect Blue. Vì vậy, mọi người muốn áp dụng công thức thì phải xem xem là máy mình có các thông số đó hay không nha.
Film Simulation là thông số quan trọng nhất của công thức, nên nếu máy bạn có Film Simulation trùng với công thức mà không có các thông số khác thì cứ bỏ qua các thông số đó, không sao, màu vẫn sẽ gần giống.
Một Film Simulation nhưng có nhiều công thức
Các công thức giả lập được lấy cảm hứng từ các cuộn phim của máy ảnh phim, nên một màu như vậy chúng ta sẽ có nhiều công thức khác nhau. Vì vậy, mọi người có thể thử nghiệm lần lượt các công thức để tìm ra cái mình thích nhất.
Với những công thức sử dụng film simulation mới, thì mọi người tìm thử tên công thức đó trên Fujixweekly, google, youtube xem là có công thức dành cho đời máy cũ hơn hay không nha.
ISO
Trong công thức, tác giả hay ghi là ISO up to 6400 hay ISO Auto. Mọi người nên thoải mái với chỉ số này, miễn tấm ảnh đủ ánh sáng là được, không cần phải bám theo 100% công thức. Xem các bài viết dưới đây để rõ hơn:
- Tìm hiểu về ISO máy ảnh
- Làm chủ tam giác phơi sáng khi chụp ảnh
- Phân biệt giữa ISO thủ công và ISO tự động (Auto ISO)
White Balance
White Balance và White Balance Shift trong công thức chính là nguyên nhân lớn khiến ảnh của chúng ta không giống với ảnh minh họa hoặc đôi khi kỳ quặc. Khi công thức khiến ảnh của bạn ám xanh hoặc vàng quá mức, thì vào Menu máy điều chỉnh lại.
Exposure Compensation
Như công thức mình minh họa ở trên thì ngay thông số này, tác giả ghi +1/3 to +1. Điều này có nghĩa là bạn cần chụp dư sáng một chút.
Xem thêm: Tìm hiểu bù trừ EV trên máy ảnh
Tổng kết
- Rất khó để ảnh của chúng ta có màu sắc giống hoàn toàn so với ảnh minh họa trên công thức, mọi người nên dành thời gian thử nghiệm để tìm ra bộ công thức mình yêu thích.
- ISO, White Balance, Exposure Compensation là ba thông số trong công thức mọi người nên linh hoạt thay đổi với điều kiện chụp của mình, không cần phải bám theo công thức.