Làm chủ tam giác phơi sáng khi chụp ảnh – Nhiếp ảnh cơ bản ONTOP

-

Tam giác phơi sáng là thuật ngữ mô tả sự phối hợp của ba thông số cơ bản trên máy ảnh, gồm: Khẩu độ ống kính (Aperture), Tốc độ màn trập (Shutter Speed) ISO. Ngoài tác động đến ánh sáng, chúng còn ảnh hưởng đến nội dung của hình ảnh, ONTOP đã có các bài viết cụ thể để nói về ba thông số rồi, nên bài viết này mình chỉ tập trung chia sẻ cho mọi người cách sử dụng cả ba thông số khi chụp ảnh.

Khẩu độ ống kính (Aperture)

Khẩu độ ống kính là độ mở của ống kính, độ mở càng lớn, ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều và ngược lại. Bên cạnh đó, khẩu độ ống kính còn ảnh hưởng đến vùng ảnh rõ khi chụp ảnh. Khẩu độ càng lớn, vùng ảnh rõ càng nông và ngược lại.

Từ đó chúng ta sẽ có những tấm ảnh xóa phông khi chụp ảnh chân dung hay tấm ảnh rõ nét từ trước ra sau khi chụp ảnh phong cảnh, kiến trúc.

Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 39
Khẩu độ f/4.0, vùng ảnh rõ nông, hậu cảnh mờ nhòe
Ảnh chụp bằng Canon EOS R8 17
Khẩu độ f/9.0, vùng ảnh rõ dày, lấy rõ nét các sư thầy

Tốc độ màn trập (Shutter Speed)

Tốc độ màn trập mô tả khoảng thời gian cảm biến được lộ ra ngoài để thu nhận ánh sáng, trước khi cửa trập khép lại hoàn toàn. Tốc độ màn trập càng nhanh, ánh sáng đi vào cảm biến càng ít và ngược lại. Về hiệu ứng hình ảnh, tốc độ màn trập cao sẽ giúp mọi người đóng băng các chủ thể đang chuyển động nhanh, còn tốc độ màn trập chậm sẽ khiến chủ thể có các vệt mờ nhòe.

Hình ảnh dua bò 15
Tộc độ 1/2000s, đóng băng chủ thể

Độ nhạy sáng (ISO)

ISO máy ảnh là một con số diễn đạt độ nhạy sáng của cảm biến trong máy ảnh kỹ thuật số. Khi tăng ISO thì hình ảnh hoặc video sẽ sáng lên và ngược lại. Khác với tốc độ màn trập và khẩu độ ống kính, việc tăng giảm ISO không tác động đến lượng ánh sáng đi vào cảm biến, mà nó ảnh hưởng đến độ nhạy sáng của cảm biến. ISO càng cao, cảm biến càng nhạy với ánh sáng, đồng nghĩa với việc là mọi người sẽ cần lượng ánh sáng đi vào cảm biến ít hơn, để có một tấm ảnh có ánh sáng như ý.

ISO 200 and ISO 3200

ISO càng cao sẽ khiến chất lượng hình ảnh càng giảm, vì:

  • Xuất hiện nhiễu hạt ở các vùng tối.
  • Dynamic Range giảm, điều này khiến tương phản màu sắc, ánh sáng của tấm ảnh giảm.

Hiểu rõ về tam giác phơi sáng

Khi giải thích về tam giác phơi sáng, chúng ta sẽ tách riêng từng cái để dễ nắm bắt thông tin nhưng khi chụp ảnh, ba thông số này sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để thay đổi ánh sáng và nội dung của hình ảnh.

Ánh sáng

Hãy xem loạt ảnh sau cùng chụp tại một khung cảnh.

Minh họa tam giác phơi sáng

Thông số khẩu, tốc, iso của tấm này lần lượt là: f/2.0; 1/3200 giây; ISO 100. Đây là mức ánh sáng mà mình mong muốn.

Ở hai tấm tiếp theo, mình giữ nguyên thông số tốc độ, iso và khép khẩu xuống lần lượt là f/2.8, f/4.0. Điều này khiến tấm ảnh tối dần đi, do mình không bù ánh sáng ở thông số khác.

Hai tấm ảnh này có ánh sáng như nhau nhưng thông số khác nhau là do mình có bù lại ánh sáng khi khép khẩu, cụ thể:

  • Khẩu độ: f/2.0 > f/2.8, lượng ánh sáng vào ống kính ít đi gấp đôi
  • Tốc độ: 1/3200 giây > 1/1600 giây, lượng ánh sáng vào ống kính tăng gấp đôi, đủ để bù lại lượng ánh sáng khi khép khẩu ở trên
  • Trường hợp khác chúng ta cũng có thể giữ nguyên tốc độ 1/3200 giây, nhưng tăng ISO từ 100 lên 200 để bù lại lượng ánh sáng, hoặc phối hợp cả ba.

Chúng ta có rất nhiều cách chỉnh ba thông số, để khung cảnh trên có ánh sáng như nhau khi chụp ảnh. Đây chính là sự phối hợp của tam giác phơi sáng để điều tiết lượng ánh sáng của hình ảnh.

Nội dung

Minh họa tam giác phơi sáng ONTOP

Chúng ta dễ thấy bốn tấm ảnh trên có độ sáng như nhau, chúng chỉ khác nhau về mặt nội dung. Tấm đầu có hậu cảnh mờ nhòe, còn tấm cuối cùng thì hậu cảnh khá rõ nét.

Tấm bên trái có khẩu độ f/1.8 nên lá thẻ ở phía sau mờ nhòe, nên mình khép khẩu dần xuống f/8.0 để có vùng ảnh rõ dày, khiến lá thẻ ở phía sau hiện rõ nội dung hơn. Để hai tấm ảnh có ánh sáng ngang nhau, mình bù lại bằng cách tăng ISO từ 200 lên 4000.

Tổng kết

Như vậy, khi điều chỉnh một hoặc cả ba thông số khẩu độ, tốc độ và iso cùng lúc, chúng sẽ tác động đồng thời ánh sáng và nội dung của tấm ảnh. Hiểu được điều này, người dùng sẽ linh hoạt hơn trong quá trình chụp ảnh, tùy cơ ứng biến mà không bị rập khuôn bởi các thông số có sẵn ở trên mạng.

Vài lưu ý

  • Mọi người không cần phải ghi nhớ các thông số cụ thể chi cho cực, chỉ cần lựa chọn nội dung mà mình muốn chụp, sau đó nhìn màn hình LCD, để xem xét là mình có cần bù trừ ở các thông số khác hay không là được. Ví dụ, mọi người chọn khẩu độ f/8.0 để chụp trọn vẹn ly cà phê thì cần xem lại tốc độ và ISO sao cho hợp lý. Nếu tốc độ màn trập đang quá cao thì bù sáng bằng thông số này, nhưng nếu tốc độ màn trập không thể giảm được nữa do bị rung lắc thì mình bù sáng bằng cách tăng ISO
  • Máy ảnh có nhiều chế độ chụp ảnh khác nhau từ thủ công đến tự động, tuy nhiên chúng chỉ thay đổi cách thức để chúng ta điều chỉnh ba thông số của tam giác phơi sáng. Tùy tình huống, thói quen mà chúng ta lựa chọn chế độ chụp phù hợp. Mọi người có thể xem bài viết này để rõ hơn
  • Không có khái nghiệm chụp ảnh làm sao cho đúng sáng, mọi người tự quyết định lượng ánh sáng của tấm ảnh bằng tam giác phơi sáng để diễn đạt nội dung mà mình mong muốn

Bài liên quan