Nhiếp Ảnh: Phương Thức Thực Hành Nghệ Thuật (Phần 02)

-

Liệu nhiếp ảnh có nên được xem là môn nghệ thuật?

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật vì tấm ảnh, sản phẩm của nó, vẫn được xem là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay ý tưởng này vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi trong giới nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và cộng đồng những người yêu nghệ thuật.

Liệu nhiếp ảnh có nên được xem là môn nghệ thuật?

Tranh cãi về việc xem xét nhiếp ảnh có phải là một môn nghệ thuật hay không đã được đề cập trong nhiều thảo luận và tranh luận giữa các nhà nghiên cứu, nhà văn, nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật.

Một số người cho rằng nhiếp ảnh không thể được coi là một môn nghệ thuật, vì nó phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và thiết bị kỹ thuật, thay vì dựa trên tài năng và sự sáng tạo của nghệ sĩ. Họ cho rằng bất kỳ ai cũng có thể chụp được một bức ảnh đẹp nếu họ có đủ kỹ năng và hiểu biết về kỹ thuật nhiếp ảnh.

Ý tưởng này có vẻ sẽ gây khó chịu với những người yêu thích nhiếp ảnh, nhưng nó không hề vô căn cứ! Bởi vì nhiếp ảnh là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp. Ở một phương diện nào đó, nhiếp ảnh có thể được xem là môn khoa học với những kỹ thuật phức tạp về máy móc, quy trình chụp và xử lý hình ảnh.

Vào thời kỳ đầu, nhiếp ảnh thậm chí được xem là phương thức thay thế hội hoạ để phù hợp với sự phát triển của thời đại; nhiều hoạ sĩ đã chuyển mình từ hội hoạ sang nhiếp ảnh. Vì vậy, xét trên khía cạnh lịch sử, nhiếp ảnh không được hình thành dựa trên nhu cầu cụ thể và độc lập, nó là ‘thế hệ’ tiếp theo của hội hoạ.

image.jpg
“The Two Ways of Life,” 1857. Ảnh chụp bởi Oscar Gustav Rejlander.

Cuộc tranh luận không hề thuyên giảm qua thời gian, nhiều người vẫn cho rằng nhiếp ảnh không phải môn nghệ thuật vì nó chỉ là công cụ để ghi lại thực tế, yêu cầu sự khách quan đến từ nhiếp ảnh gia. Khác với những môn nghệ thuật như hội hoa hay âm nhạc vì chúng gợi lên góc nhìn, cảm xúc của nghệ sĩ hay một ý niệm vô hình, kể cả hội hoạ theo trường phái hiện thực.

Tuy nhiên, số khác phản biện rằng việc chụp ảnh cũng đòi hỏi sự sáng tạo, tinh tế và cảm nhận về nghệ thuật. Nhiếp ảnh gia thời kỳ đầu sử dụng máy ảnh để ghi lại vẻ đẹp, góc nhìn khác về thế giới bằng việc chú trọng vào đường nét và chi tiết trong ảnh. Mọi sự vật, sự kiện được chụp lại đều là sự thật, vì máy ảnh không biết nói dối!

image 2.jpg
James’ House. Ảnh chụp bởi Jacob Aue Sobol/Magnum Photos.

Platon đã từng nói rằng “Cái gì đúng thì đẹp”. Nhiếp ảnh đã đi được đến cái đích của nghệ thuật khi chạm đến cái đẹp ở khía cạnh ‘chân thật’, vậy có nên xem loại hình này là môn nghệ thuật?

Hơn thế, nhiếp ảnh gia còn sử dụng nhiếp ảnh để truyền tải cảm xúc và thông điệp về cuộc sống chứ không đơn thuần chỉ ‘đóng vai’ người quan sát. Nhiếp ảnh đương đại tập trung vào khía cạnh ý niệm và sự thể nghiệm của nhiếp ảnh gia hơn là những yếu tố về hình thức.

image
Andy Warhol, Edie Sedgwick and Chuck Wein, New York, 1965. Bởi Burt Glinn/Magnum Photos.

Tuy nhiên, sự tranh cãi không bao giờ kết thúc. Vì thế, thay vì tiếp tục dấn thân vào ngõ cụt thì chúng tôi đề xuất rằng bạn hãy xem nhiếp ảnh như một phương thức để thực hành nghệ thuật.

Nhiếp ảnh là phương thức thực hành nghệ thuật

Hiện nay, giới nghệ thuật không quá đặt nặng vấn đề hình thức của tấm ảnh, thay vào đó họ chú trọng vào ý niệm, sự sáng tạo và trải nghiệm của nghệ sĩ hơn cả.

Bên cạnh việc chụp ảnh truyền thống, bao gồm cả chụp ảnh và tạo ảnh, nhiều nghệ sĩ còn đi sâu hơn vào việc tìm hiểu giá trị của nhiếp ảnh và những cách thức mới để sử dụng tấm ảnh.

image 2
Clearing. Ảnh chụp bởi Thomas Demand.

Thoạt hình, bạn sẽ nghĩ đây chỉ là tấm ảnh chụp một khu rừng vào buổi sớm. Tuy nhiên, khu rừng này không có thật!

Thomas Demand đã khám phá ý niệm về ký ức và khoảnh khắc thông qua việc sử dụng nhiếp ảnh để ghi lại hình ảnh một khu rừng giả lập từ giấy và đặt nó trong một khung thép rộng 50 feet. Ngay sau khi tấm ảnh được chụp, khu rừng bị phá huỷ hoàn toàn.

Kết quả là hình ảnh đang hiển thị trước mắt bạn đây chỉ là một ảo ảnh xen lẫn hiện thực. Nó mang tính ảo ảnh vì bạn chưa bao giờ thấy hoặc trải nghiệm khu rừng này, nhưng sự thật là nó đã từng tồn tại và đang tồn tại mãi mãi ở dạng hình ảnh.

Xem thêm bài phân tích sâu về tấm ảnh tại kênh Youtube của Beyond Photography:

Hoặc với dự án này, Guanyu Xu dán ảnh chân dung của anh và những người đồng tính nam khác trong bối cảnh gia đình của họ từ dự án One Land To Another của Guanyu Xu khắp ngôi nhà của cha mẹ anh ở Bắc Kinh trong thời gian họ đi vắng. Tương tự Thomas Demand, bối cảnh bạn nhìn thấy trong ảnh sẽ bị dỡ bỏ hoàn toàn khi cha mẹ Guanyu Xu có mặt tại nhà.

image 3
Thế giới bên trong thế giới, từ dự án ‘Temporarily Censored Home’. Ảnh chụp bởi Guanyu Xu.

Khác với Thomas Demand, Guanyu Xu sử dụng những hình ảnh này để tiết lộ về xu hướng tính dục mà anh đã giấu kín từ lâu vì định kiến gay gắt về giới tại Trung Quốc. Việc dán ảnh khắp nhà như lời tuyên bố dõng dạc của nhiếp ảnh gia rằng mọi thứ vẫn luôn xuất hiện tự nhiên như thế nhưng cha mẹ anh không bao giờ biết. Đồng thời, đây cũng có vẻ là một cách thức ‘come-out’ hiệu quả và tinh tế!

Đối với những người mới tiếp cận nhiếp ảnh, sẽ bất khả thi khi hy vọng rằng bạn sẽ sử dụng nhiếp ảnh để thực hành nghệ thuật một cách sâu sắc như những nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để bạn tiếp tục đi trên con đường nhiếp ảnh của mình. Hãy sử dụng loại hình này như một cách thức để quan sát cuộc sống.

Screenshot (1)
Nermini Parco. Ảnh chụp bởi Jesus Monterde. Xem thêm về dự án Tại đây



Lưu ý rằng, việc quan sát cuộc sống không có nghĩa là chỉ nhìn mọi thứ xung quanh và chụp ảnh. Quan sát bao gồm cả việc nhìn, nghe, nếm, cảm nhận,… một sự kiện, bối cảnh và suy tư chiêm nghiệm về những điều đã xảy ra. Có thế, quá trình thực hành mới hiệu quả và tấm ảnh được tạo ra với một thông điệp cụ thể chứ không phải chỉ là ‘lớp vỏ rỗng ruột’.

Kết

Việc liệu nhiếp ảnh nên được xem là môn nghệ thuật thực tế không quá quan trọng trong bối cảnh hiện tại và với chúng ta, những người tiếp cận nhiếp ảnh để thấy nhiều hơn về chính mình và cuộc sống.

Và, nếu bạn vẫn bận lòng về câu hỏi trên thì hãy dấn thân vào việc học hỏi và thực hành, câu trả lời sẽ xuất hiện. Khi ấy, chúng ta sẽ nhìn thấy bản chất của nhiếp ảnh cũng như giá trị mà nó mang lại là điều không ai có thể phủ nhận.

Lưu ý rằng, câu trả lời sẽ không đến với những ai tìm kiếm một cách hời hợt và luôn mất kiên nhẫn trên hành trình.

Nguồn: beyondphotography

Bài liên quan