Nhập Môn: Image Taking (Chụp Ảnh) Và Image Making (Tạo Ra Hình Ảnh) (Phần 03)

-

Việc chụp ảnh (Image taking) và tạo ảnh (Image making) không hoàn toàn là hai khía cạnh đối lập với nhau.

Image taking (chụp ảnh) và Image making (tạo ra hình ảnh) 

Khi mới bắt đầu học chụp ảnh, bạn nghĩ rằng nhiếp ảnh đơn giản là cú bấm máy của những nhiếp ảnh gia rong ruổi trên khắp nẻo đường nhằm tìm kiếm một khoảnh khắc ‘quyết định’. Theo cách này, một tấm ảnh được tạo bằng cách chụp lại một sự kiện đã qua. 

Đọc lại phần trước ở đây: Nhiếp ảnh cho người mới bắt đầu

1920x4000

Chúng ta không toàn quyền kiểm soát cách hình ảnh ra đời, thay vào đó, ta ‘săn’ chúng. Hai điều duy nhất một nhiếp ảnh gia có thể kiểm soát là vị trí và thời gian chụp.

Việc chụp ảnh gắn liền với những thể loại như nhiếp ảnh đường phố (street photography), nhiếp ảnh tư liệu (documentary photography), nhiếp ảnh báo chí (photojournalism) … hay thậm chí là ảnh chân dung. Bạn có những lần đi ra ngoài để tìm cái đẹp, nhớ những lần bỏ lỡ một khung cảnh tuyệt vời chỉ vì quên mang theo máy ảnh?

Tuy nhiên, tôi biết rằng bạn còn biết nhiều hơn thế. Bạn đã đôi lần nhìn thấy một tấm ảnh chụp cô người mẫu tạo dáng theo chỉ dẫn, nhiếp ảnh gia không cần ‘canh me’ lúc cô ấy tạo dáng ‘chuẩn’ nhất. Bên cạnh đó, có vẻ cụm từ ‘concept’ trong nhiếp ảnh không còn quá xa lạ.

image asset
© Hậu trường buổi chụp ảnh của Gregory Crewdson.

Điểm chung của những tấm ảnh này là gì? Có phải là việc nhiếp ảnh gia toàn quyền kiểm soát khung hình, từ cách người mẫu tạo dáng, đến cách phơi sáng, sắp xếp bố cục,… Đi sâu hơn, có thể nói rằng những người này đang tạo ra một bối cảnh, bạn sẽ không bao giờ có thể chứng kiến chính xác bối cảnh này ngoài đời thực nếu nhiếp ảnh gia không xây dựng nó.

Việc tạo ảnh không chỉ xuất hiện ở giai đoạn thực hiện, người ta có thể tạo ảnh trong quá trình hậu kỳ. Cách thức quen thuộc là sử dụng Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh. Ngoài ra, một số nhiếp ảnh gia sáng tạo bằng cách cắt ghép tấm ảnh lại với nhau (được gọi là collage), thậm chí họ không cần chụp ảnh.

Các hình ảnh thuộc thể loại concept, staged photography, ảnh chân dung,… đều có thể được nhiếp ảnh gia tạo nên.

Việc chụp ảnh khác gì với việc tạo ảnh?

Rất rõ ràng, trong khi việc chụp ảnh thiên về sự chờ đợi, kiên nhẫn đón chờ một khoảnh khắc xuất hiện thì việc tạo ảnh cho nhiếp ảnh gia toàn quyền kiểm soát hình ảnh.

Để có thể chụp ảnh, bạn phải thật sự kiên nhẫn vì một khoảnh khắc ‘đắt giá’ không đến ngay tức khắc khi bạn mới bước chân ra đường và bạn cũng không tài nào thấy được chúng khi mới tập tễnh cầm máy ảnh.

003569b4ed53571d102d758d959ae793
Trong The Secret Life Of Walter Mitty, nhân vật NAG Sean O’Connell kiên nhẫn chờ đợi con báo tuyết trên dãy Himalayas hàng tháng trời để chụp ảnh.

Tuy nhiên, cũng cần nhận biết rằng ngươi ta không thể nào giữ nổi sự kiên trì nếu việc đó không làm họ thích thú. Vì vậy, một điều quan trọng cần chú ý khi chụp ảnh, bạn phải thật sự tận hưởng quá trình tìm kiếm hình ảnh. Nếu cứ chăm chăm vào kết quả thì công việc này sẽ là một hình phạt không hơn không kém.

Bên cạnh đó, việc tạo ảnh cũng không dễ dàng hơn là bao. Bạn sẽ phải gánh vác trọng trách lớn lao đối với hình ảnh vì chính nhiếp ảnh gia sẽ là người kiểm soát khung hình, kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Bởi vì thậm chí một chi tiết ‘bé xíu’ cũng có thể ảnh hưởng đến cả một tấm ảnh, có thể là về mặt kỹ thuật hoặc về mặt nội dung. 

Lúc này, niềm vui đi kèm với trách nhiệm.

Việc chụp ảnh không tách rời tạo ảnh?

Gregory Crewdson, nhiếp ảnh gia đại tài chuyên chụp ảnh với những bối cảnh nhân tạo đồ sộ chia sẻ rằng: “Hình ảnh của tôi được tạo ra nhằm tìm kiếm một khoảnh khắc hoàn hảo”.

d7hftxdivxxvm.cloudfront.net
© Untitled, Summer (Summer Rain), Gregory Crewdson.

Có phải bạn sẽ đặt câu hỏi rằng một nhiếp ảnh gia tạo ảnh tại sao lại phải đi tìm một khoảnh khắc phải không? Câu trả lời đơn giản hơn bạn nghĩ, bởi vì để tạo ra một tấm ảnh thì nhất định nhiếp ảnh gia phải bấm máy.

Việc bấm máy nhằm ghi lại, hay nói cách khác, là ‘đóng băng’ một cảnh đang chuyển động. Cho dù nhiếp ảnh gia có khả năng tạo ra bối cảnh thì họ cũng không có ‘phép màu’ tự mình đóng băng bối cảnh ở một khoảnh khắc ‘quyết định’. Vì thế, họ cũng phải chờ đợi.

Bên cạnh đó, khi một nhiếp ảnh gia hoàn thành việc chụp ảnh bên ngoài. Họ cũng phải tiến hành tạo ảnh thông qua việc chỉnh sửa, cắt ghép hay biên tập ảnh theo ý muốn. Lúc này, hình ảnh không xuất hiện theo cách ban đầu mà nó mang ý niệm được nhiếp ảnh gia gán vào.

Kết

Việc chụp ảnh hay tạo ảnh đều chỉ là cách thức để tạo ra tấm ảnh. Tự nó không đối lập hay tách biệt lẫn nhau, trong việc tạo ảnh thì nhiếp ảnh vẫn phải chụp ảnh và ngược lại.

Vì vậy, không có cách thức nào là ‘hợp thời’ hay chuyên nghiệp hơn. Người chụp là nhân tố chính quyết định liệu tấm ảnh được tạo ra có chuyên nghiệp hay không.

“Bạn không chụp ảnh, bạn tạo ra nó.” – Ansel Adams

Nguồn: beyondphotography

Bài liên quan