Quan Sát & Trải Nghiệm Thị Giác (Phần 04)

-

Chụp ảnh cũng là một cách thiền.
— Beyond Photography

Về cơ bản, ai cũng có thể chụp ảnh. Bởi vì chúng ta sở hữu đôi mắt, như thế là đủ. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt giữa một người biết chụp ảnh và một người chụp ảnh tốt.

image 20 11.jpg

Không phải ai cũng có thể chụp ảnh tốt, cũng như không phải ai học nhiếp ảnh đều có thể trở thành nhiếp ảnh gia. Sự khác biệt thể hiện ở cách người ta sử dụng đôi mắt, hay cách quan sát.

Chụp những gì khiến mình có cảm xúc

Khi mới bắt đầu tiếp cận nhiếp ảnh, mọi người thường có xu hướng chụp rất nhiều vì dường như mọi thứ xung quanh đều trông thật lạ khi được nhìn xuyên ống kính. Đây không phải hành vi xấu, nhưng hãy cẩn thận với thói quen này. Bởi vì nếu cứ tiếp tục như vậy thì bạn sẽ dần mất kiểm soát và chụp vô tội vạ.

Vì thế, để chụp ảnh có ý thức hơn, hãy bắt đầu bằng việc chụp những điều khiến bạn có cảm xúc. Bất kỳ cảm xúc nào, chẳng hạn như vui, buồn, phấn khích, kinh ghét,… kể cả những cảm xúc khó diễn tả bằng lời.

image 20 10.jpg
Đang chạy xe đi chơi thì thấy hoa rơi bên đường trong nắng chiều nên thơ quá nên gạt chân chống rút máy ra bấm vài cái. 

Có một câu mà mình rất nhớ ở những ngày đầu cầm máy: “Chúng ta chụp ảnh để hiểu cuộc sống có ý nghĩa như thế nào với bản thân ta.” — Ralph Hattersley

Mình hay tự hỏi: cảm giác mà ánh sáng và mặt nước trở thành một? Nhẹ tênh? Dễ chịu? Có phải hôm nay tâm trạng mình cũng như thế? Nhớ hùi trước Rinko Kawauchi có nói: [Bức ảnh] đẹp thôi chưa đủ. Nếu nó không lay động trái tim tôi, nó sẽ không lay động trái tim của bất kỳ ai khác. 

Quan sát = Thiền

Việc thiền trong lúc chụp ảnh giúp bạn trở nên sáng suốt hơn, đủ để nhận biết liệu đâu là cảm xúc thật và đâu là loại cảm giác mơ hồ thoáng qua. Bởi vì, khi ấy bạn đang sống trong khung cảnh trước mắt, tất cả các giác quan được kích hoạt để giúp bạn có được trải nghiệm toàn vẹn nhất.

Hãy tìm hiểu sâu hơn về các khía cạnh của việc Thiền trong nhiếp ảnh qua video này của Beyond Photography:

Có bao giờ bạn ‘chìm sâu’ vào khung cảnh trước mắt, một cánh đồng chẳng hạn, đến mức quên mất chính mình? Khi ấy, da bạn không cảm nhận được gì ngoài sự đau rát do lá cây cựa vào, tai bạn không còn nghe gì nữa ngoài tiếng gió rít và mắt bạn nhìn xa đến mức vô tận. Lúc này, bạn vui sướng.

Đây không phải cảm xúc vui sướng của một con chim sổ lồng, hình ảnh thường được sử dụng để miêu tả sự tự do nhưng đáng buồn thay, nó đã trở nên cũ kĩ và nhàm chán. Tuy nhiên, để dễ dàng trong việc liên tưởng, có thể nói rằng đây là cảm giác vui sướng của một con chim tự do trong lồng.

Có vẻ nghịch lý, nhưng nó đúng là như thế. Bởi vì khi thiền trong lúc chụp ảnh, bạn là người hiểu rõ cảm xúc của mình nhất, không còn bị gắn chặt vào những định nghĩa thường tình nữa. Cũng có thể gọi cảm xúc này là một loại trải nghiệm thị giác.

Nếu bạn để ý, thật ra việc quan sát (chụp ảnh) cũng không khác việc thiền là bao. Chúng ta quan sát, chúng ta nhận ra phản ứng với những gì xảy ra trước mắt. Trong giây phút đó, chúng ta quyết định bấm máy. Khi nhìn lại tấm ảnh, vẫn là chúng ta và phản ứng của của chúng ta với giây phút đã trôi qua. 

Chúng ta học được điều gì từ nó? 

Trải nghiệm thị giác

Trải nghiệm thị giác có thể hiểu đơn giản là những gì đọng lại sau khi bạn quan sát một khung cảnh. Đó có thể là những cảm xúc, suy tư hay hồi ức.

Tại giai đoạn này, xuất hiện sự phân biệt giữa một tấm ảnh tốt và một tác phẩm nghệ thuật. Bởi vì ít người thật sự có cho mình trải nghiệm thị giác từ khung cảnh xung quanh, nhưng lại hiếm người suy tư về trải nghiệm từ môi trường, nói cách khác là có cho mình trải nghiệm thị giác với chính bản thân.

image 21 1.jpg
image 20 8.jpg
image 20 7 2048x1373.jpg
Dành thời gian xem lại hình (mình chụp), mình mới nhận ra rằng, mình thích ánh sáng. Trong trạng thái bình thường, mình sẽ luôn tìm ra sự thay đổi của ánh sáng để chụp.

Có phải bạn luôn tự hỏi làm cách nào mà các nhiếp ảnh gia có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật với lượng thông tin và chiều sâu ý niệm đồ sộ không?

Đó là bởi vì họ đã làm công việc mà bạn không làm, trải nghiệm và chiêm nghiệm. Trải nghiệm cho phép bạn hiểu rõ hơn về môi trường và bản thân, trong khi đó việc chiêm nghiệm sẽ cho phép bạn hiểu sâu hơn về trải nghiệm và phát triển cái tôi.

image 20 6.jpg
Những hôm mình buồn, mình dùng nhiếp ảnh để đối diện với chuyện đó như thế nào?
Có một lần đi dạo, mình đi vào một khu chung cư bỏ hoang và thấy khung cảnh này. Tường có màu hồng pastel rất dễ chịu, ngược với bên dưới là một đống rác, y chang như cảm xúc của mình lúc đó. Thế là mình bấm chụp. À, hoá ra thứ màu sắc này cũng có khả năng làm cho một khung cảnh hoang tàn, ẩm mốc trở nên ‘trữ tình’ hơn.

Thông qua việc dành nhiều thời gian để suy tư, nhiếp ảnh gia ‘gặt hái’ cho mình những kiến thức, kinh nghiệm riêng. Từ chất liệu này, hình ảnh của họ được sinh ra với sự ‘giàu có’ về mặt nội hàm và sự ‘cá biệt’ về phương diện cá nhân. Đây là điều khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi vì họ không thể sao chép, dù với bất kỳ cách thức nào.

Xây dựng thẩm mỹ cá nhân

Nhờ những trải nghiệm thị giác từ môi trường và với chính mình, bạn sẽ biết rõ thể loại hình ảnh mà mình yêu thích hoặc loại hình ảnh phù hợp để thể hiện cái tôi của mình.

Lúc này, việc chụp ảnh vô tội vạ sẽ được kiểm soát. Bởi vì bạn biết mình là ai, những chủ thể hay bối cảnh nào sẽ biểu lộ rõ nhất điều đó và chính xác thời điểm nào loại hình ảnh này được hiển thị.

Nói đơn giản hơn, bạn biết mình thích quan sát điều gì trong vô vàn những hình ảnh xuất hiện trước mắt và hiểu rõ lý do đằng sau việc đó. Hãy dành thời gian để xem lại hình của mình chụp. Đây là một bước vô cùng quan trọng để hiểu mình và nhiếp ảnh của mình hơn.

image 20 5.jpg

Tôi là những gì tôi chụp. — Martin Parr

Kết

Hãy chụp ảnh có ý thức, đừng tuỳ tiện. Cách bạn đối đãi với hình ảnh cũng chính là cách bạn đối đãi với bản thân.

Suy nghĩ về tấm ảnh, về mỗi trải nghiệm đã qua như một phương pháp phản tư. Để từ đó, bạn hiểu rõ mình hơn.

Nguồn: beyondphotography

Bài mới nhất