Màn trập (Shutter) hay còn gọi là cửa trập, là lớp màn bằng kim loại được đặt trước cảm biến với máy ảnh kỹ thuật số hoặc bề mặt phim đối với máy ảnh dùng film. Nó là bộ phận quan trọng của máy ảnh, kiểm soát lượng ánh sáng đi vào cảm biến và kéo theo là nhiều hiệu ứng hình ảnh khác nhau. Màn trập luôn luôn mở cho đến khi nào bạn bấm nút chụp. Trong bài viết này, ONTOP sẽ tập trung giải thích cách màn trập cơ học hoạt động và phân biệt nó với màn trập điện tử.
Màn trập cơ học
Tốc độ chậm, trung bình
Màn trập cơ học bao gồm hai cửa trập (cửa trập trước – front curtain , cửa trập sau – rear curtain) và được sắp xếp theo chiều dọc, một cửa trập ở trên và một còn lại ở dưới. Máy ảnh film thì sắp xếp theo chiều ngang, có máy thì chiều dọc.
Với máy ảnh DSLR, cảm biến luôn được che ở phía trước bởi gương lật và cửa trập trước. Khi ấn chụp, gương lật được lật lên, cửa trập trước hạ xuống để cảm biến bắt đầu thu nhận ánh sáng, sau đó cửa trập còn lại kéo xuống che cảm biến, kết thúc quá trình phơi sáng, gương lật và cửa trập trước quay lại ví trí cũ.
Với máy ảnh mirrorless, do không có gương lật nên cách hoạt động khác một chút. Khi ấn chụp, cửa trập trước kéo lên che toàn bộ cảm biến để xóa toàn bộ thông tin đang có trên cảm biến, sau đó hạ xuống để cảm biến thu nhận ánh sáng. Khi quá trình phơi sáng kết thúc, cửa trập sau hạ xuống che cảm biến lại, rồi rút về vị trí cũ, chuyển máy sang chế độ live view (không chụp).
Dù hoạt động khác nhau nhưng máy ánh đều phơi sáng và ghi nhận hình ảnh theo chiều từ trên xuống.
Tốc độ cao
Khi chụp ở tốc độ màn trập 1/125s, 1/200s hoặc 1/250s (tùy máy), sẽ có thời điểm cảm biến lộ ra hoàn toàn nhưng khi chụp với tốc độ cao, cửa trập sau đóng lại ngay chỉ sau khi cửa trập trước bắt đầu di chuyển và hai màn trập tạo thành một khoảng trống có kích thước cố định di chuyển dọc cảm biến. Tốc độ càng cao, khoảng trống càng nhỏ, bạn coi video trên sẽ rõ.
Màn trập điện tử
Khác với màn trập cơ, màn trập điện tử không có hai cửa trập hoạt động trong quá trình chụp ảnh mà dùng chính cảm biến để quét và ghi nhận ánh sáng từ trên xuống. Từ đó máy ảnh có thể chụp với tốc độ cao hơn rất nhiều so với màn trập cơ học. Ví dụ, Fujifilm X-T5 có tốc độ chụp tối đa với màn trập cơ học là 1/8000s và tại màn trập điện tử là 1/180000s. Bên cạnh đó, màn trập điện tử sẽ giúp máy ảnh hoạt động hoàn toàn im lặng.
Màn trập điện tử cửa trước (Electronic first curtain hay EFC)
Màn trập điện tử cửa trước (electronic first curtain, hay gọi tắt là EFC) là loại màn trập lai giữa màn trập cơ học và màn trập điện tử để giúp giải quyết hai vấn đề về shutter shock và shutter lag chúng ta nói tới ở trên. Loại màn trập này sử dụng cửa trước dạng điện tử để tránh rung động gây ra do màn trập cơ học và giảm tối thiểu shutter lag.
Shutter shock (sốc màn trập)
Chuyển động của màn trập cơ học là một trong những nguyên nhân chính, gây ra rung hình và làm giảm chất lượng ảnh ở tốc độ phơi sáng thấp trên máy ảnh. Khi tốc độ chụp quá cao hoặc quá thấp thì va chạm của màn trập cơ học không có ảnh hưởng đáng kể tới ảnh (do rung động chưa kịp ảnh hưởng ở tốc độ chụp cao hoặc tỷ lệ của thời gian rung động quá ngắn khi phơi sáng dài), nhưng ở một khoảng nhất định (có thể ở khoảng 1/5 – 1/10 giây) tỷ lệ của rung động này sẽ đủ lớn để làm ảnh bị nhòe, mờ, và được gọi là hiện tượng shutter shock (sốc màn trập).
Trong hình minh họa bên dưới từ trang photographylife.com, chúng ta có thể thấy là shutter shock làm ảnh mờ ở tốc độ phơi 1/10 giây nhưng không ảnh hưởng ở tốc độ 1/2 giây (máy cắm trên tripod).
Shutter lag (trễ màn trập)
Shutter lag mô tả độ trễ từ khi ấn nút chụp cho tới khi cảm biến thực sự ghi nhận hình ảnh. Độ trễ này gây ra do thời gian máy ảnh phải nâng kính lật (với máy DSLR) và mở cửa trước màn trập để cảm biến bắt đầu phơi sáng. Mặc dù độ trễ này không gây sai khác đáng kể với nhu cầu chụp thông thường, nhưng với chụp ảnh tốc độ cao thì nó có thể là vấn đề lớn.
Mặc dù không mất thời gian lật gương nhưng máy ảnh không gương lật cần di chuyển cửa trập trước hai lần nên độ trễ này cũng không khác biệt gì so với máy ảnh DSLR.
Màn trập của máy ảnh còn rất nhiều thứ hay để nói đến như màn trập điện tử làm méo ảnh, méo bokeh v.v…. Hẹn mọi người ở bài viết tiếp theo nha.
Xem thêm: