Đánh giá Sony a7C II, nhẹ 514 gram, lấy nét hiệu quả với AI, dễ dùng với Quick Menu

-

Sony a7C II là một thiết bị tốt, nhỏ gọn, mạnh mẽ và bền bỉ. Máy chỉ có 1 khe thẻ nhớ nên đối với bạn nào có tính chất công việc cần phải lưu trữ hình ảnh và video song song trong hai thẻ để backup qua lại thì chú ý nha. Còn lại thì mình thấy Sony a7C II đáp ứng tốt cho các nhu cầu từ cơ bản cho đến chụp ảnh chuyên nghiệp.
Cảm giác cầm nắm
10
Cảm giác sử dụng
8.5
Tính năng
8.5
Chụp ảnh chân dung
8.5
Chụp ảnh đường phố, đời sống
9.5
Chụp ảnh thể thao, hoang dã
8
Chụp ảnh phong cảnh
7.5
Quay video
8
Reader Rating1 Votes
8.5
8.6

Sony a7C II là chiếc máy ảnh mirrorless, ngàm E, sử dụng ống kính tháo rời được ra mắt toàn cầu vào ngày 29/08/2023 cùng với Sony a7C RSony FE 16-35mm F2.8 G Master II. Sau ba ngày trải nghiệm tại sự kiện đua bò truyền thống của tỉnh An Giang, thì trong bài viết này, mình xin chia sẻ lại với mọi người những cảm nhận về Sony a7C II của mình.

ONTOP chân thành cảm ơn Sony Việt Nam đã hỗ trợ Sony a7C II và Sony FE 70-200 F4 G OSS II trong chuyến đi này.

Sony a7C II có những ưu điểm nổi bật sau:

  • Tích hợp công nghệ AI mới nhất của Sony
  • Cảm biến Full Frame BSI CMOS Exmor R 33MP
  • Vi xử lý hình ảnh BIONZ XR
  • Quay video 4K 60P 10-Bit
  • Chống rung 7 stops
Tham gia cộng đồng giao lưu nhiếp ảnh

Đánh giá máy ảnh Sony a7C II

Thiết kế và cảm giác sử dụng

Trên tay Sony a7C II 02

Sony a7C II có kích thước W x H x D lần lượt là 124 x 71.1 x 63.4 mm. Máy nặng chỉ 514 gram khi lắp pin và thẻ nhớ. Lúc Sony công bố Sony a7C II, mình đã biết là nhỏ và nhẹ rồi nhưng khi cầm trên tay thì cảm giác mà nó mang lại cho mình là trên cả mong đợi, nhẹ nhàng, dễ chịu, tiết kiệm diện tích balo, túi xách.

Trên tay Sony a7C II 01

Báng cầm là điểm mình thích nhất về mặt thiết kế của Sony a7C II, nó vừa đủ sâu, dày để mình có thể ôm gọn cả bàn tay của mình vào máy mà không bị hở ra ngón út. Điểm này quan trọng đối với mình lắm, vì đi ba ngày, mình phải cầm máy chụp rất nhiều trong khoảng thời gian dài, đặc biệt là chụp gần 5 tiếng tại ngày diễn ra lễ hội đua bò.

EVF và màn hình LCD

Trên tay Sony a7C II 12

Sau ngày đầu tiên trải nghiệm thì mình công nhận là màn hình LCD và ống ngắm EVF của Sony a7C II đã được cải thiện rõ rệt so với Sony a7C.

  • Ống ngắm EVF OLED có độ phóng đại 0.7 lần, cùng 2.36 triệu điểm ảnh cho trải nghiệm chụp ảnh khi ngắm tốt, hình ảnh rõ ràng, ít độ trễ.
  • Màn hình cảm ứng LCD xoay lật tiện lợi, kích thước 3”, 1.03 triệu điểm ảnh. Ngoài hiển thị đẹp thì màn LCD của Sony a7C II cũng rất mượt, phản hồi nhanh, không có hiện tượng giật lag.

Đầy đủ nút bấm, vòng xoay điều khiển

Sony a7C II trang bị bốn vòng xoay, một ở đằng trước để điều chỉnh khẩu độ, vòng nhỏ ở sau để điều chỉnh tốc độ màn trập, vòng to hơn ở sau nút quay màu đỏ là bù trừ EV và vòng chọn chế độ chụp ảnh. Cần gạt nhỏ để chọn chế độ chụp, quay video, S&Q được tích hợp kế bên vòng xoay chế độ chụp ảnh. Mình tin với số lượng và cách bố trí nút bấm, vòng xoay này, Sony a7C II sẽ làm đại đa số người dùng hài lòng.

D-pad và vòng xoay tích hợp cũng là điểm mình rất thích vì nó cung cấp cho mình cách điều khiển máy ảnh linh hoạt, hiệu quả.

Quick menu tiện lợi

Mình phát hiện Sony a7C II có Quick Menu mới từ sớm, điểm này khác so với hồi mình trải nghiệm Sony a7C, Sony a7 IV, mình trải nghiệm hết buổi sáng ở ngày đầu tiên thì công nhận là nó tiện lợi thiệt, kết hợp thêm nút Fn nữa thì mình tìm thấy gần như mọi tùy chỉnh mình thường xuyên sử dụng khi chụp ảnh. Cách thiết kế này giúp mình không cần phải đi sâu vào Menu để thiết lập máy, rút gọn thời gian chỉnh máy, tập trung vào việc chụp hơn.

Quick Menu mới cũng giúp mình làm quen với Sony a7C II nhanh hơn.

Nhiều định dạng ảnh RAW

Trên tay Sony a7C II 40 1

Sony a7C II cung cấp cho người dùng 5 tùy chọn khi chụp ảnh RAW, mình rất thích những chiếc máy ảnh có nhiều kích cỡ ảnh RAW như này. Dù ảnh RAW cỡ lớn nhất sẽ cho người dùng dữ liệu tối đa để hậu kỳ và cắt cúp ảnh nhưng nhược điểm là nó chiếm nhiều dung lượng, sao chép chậm, máy tính xử lý chậm, nói chung là làm gì cũng lâu nên mình cũng ít khi xài.

Lossless Comp (M) là định dạng mình xài nhiều nhất, nó vẫn mang lại nhiều dữ liệu để mình chỉnh ảnh nhưng giải quyết được các nhược điểm của ảnh RAW Uncompressed.

Tiếng màn trập

Trên tay Sony a7C II 10

Tiếng màn trập của Sony a7C II là một trong những tiếng màn trập hay nhất, đã tai nhất mà mình từng nghe, nó kích thích mình ngắm chụp và bấm máy nhiều hơn.

Trải nghiệm chụp ảnh thể thao

Trong chuyến đi lần này, ngày thi đấu là ngày mình mong chờ nhất vì nơi đây mình sẽ thử nghiệm được khả năng thực chiến của Sony a7C II trong môi thể thao, mọi thứ diễn ra nhanh, khó đoán. Sự kiện rất đông nhiếp ảnh gia tham gia, các vị trí đẹp đã có người đứng chụp hết nên nếu mình muốn có góc chụp không bị vướng người đằng trước thì phải đưa máy lên cao. Vì Sony a7C II nhỏ gọn, có chống rung trong thân máy nên nó giúp mình có thể cầm chụp một tay xuyên suốt sự kiện. Bên cạnh đó, hệ thống lấy nét quá tốt của Sony a7C II đã giúp mình tự tin hơn khi chụp một tay mà không cần phải ngắm qua màn LCD hay EVF. Sau khi chụp một loạt ảnh thì mình xem lại, mình có thể không hài lòng về bố cục, nội dung nhưng về khoảng lấy nét đúng vào tài xế, đôi bò thì Sony a7C II khiến mình cực kỳ hài lòng.

Trên tay Sony a7C II 03
Sony a7C II cho khả năng chụp 10 ảnh liên tiếp mỗi giây ở màn trập điện tử, con số quá đủ để mình bắt các khoảnh khắc đẹp tại sự kiện lần này.

Sự kiện diễn ra ở sân ruộng, không có mái che, trời nắng gắt, khiến máy nóng dần sau khoảng 1 tiếng chup nhưng nó vẫn ổn định và giúp mình chụp suôn sẻ cho đến khi hết sự kiện mà không gặp cản trở nào. Mình đánh giá rất cao độ bền bỉ của Sony a7C II.

Trải nghiệm chụp ảnh chân dung

Song song với việc chụp ảnh sự kiện, thì mình cũng có chụp một số ảnh chân dung như trên. Ảnh trên mình chụp với Auto White Balance, màu standard, định dạng ảnh jpeg xuất thẳng từ trong máy. Với mình Sony a7C II cho màu da người tự nhiên, ưa nhìn, không bị ám hay quá thiên về một màu cam hay hồng.

Tổng kết

Sau ba ngày trải nghiệm tại tỉnh An Giang thì mình thấy Sony a7C II là một thiết bị tốt, nhỏ gọn, mạnh mẽ và bền bỉ. Máy chỉ có 1 khe thẻ nhớ nên đối với bạn nào có tính chất công việc cần phải lưu trữ hình ảnh và video song song trong hai thẻ để backup qua lại thì chú ý nha. Còn lại thì mình thấy Sony a7C II đáp ứng tốt cho các nhu cầu từ cơ bản cho đến chụp ảnh chuyên nghiệp.

Giá bán

Sony a7C II có giá chính thức tại Việt Nam là 50.990.000đ cho cả phiên bản màu bạc và màu đen. Hiện người dùng đã có thể đặt mua máy tại website của Sony hoặc tại các cửa hàng phân phối máy ảnh Sony trên toàn quốc.

Hình ảnh chụp bằng Sony a7C II

Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 03 1
Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 04 1
Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 06 1
Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 14 2
Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 16
ảnh chụp bằng sony a7c ii
Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 39 1
Hình ảnh dua bò ONTOP.vn 42 1

Bài liên quan