Nhiếp ảnh cơ bản – Gợi ý 5 bố cục kinh điển, dễ áp dụng và phương pháp luyện tập

-

Sau gần 2 tháng luyện liên tục với bộ Hộp Mẹo Nhiếp Ảnh, mình xin chia sẻ với anh chị và các bạn 5 bố cục mà mình thấy dễ học, dễ áp dụng, cũng như phương pháp mà mình đang luyện tập.

Ở phần đầu bài viết, để khái quát về bố cục cũng như tầm quan trọng của nó đối với bức ảnh, mình xin trích dẫn chia sẻ rất hữu ích của anh Tuanlionsg

Bố cục trong nhiếp ảnh là gì? Tại sao nó lại quan trọng như vậy?

Định nghĩa tổng quát từ “bố cục”

Chữ “bố cục” (composition) không chỉ áp dụng đối với các nghệ thuật tạo hình, nhưng còn với âm nhạc, khiêu vũ, văn chương và hầu như với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác. Trong một số lĩnh vực, như viết lách, từ ngữ “bố cục” (theo nghĩa là sắp đặt bố trí) có thể không được dùng rộng rãi, nhưng dù sao cũng phù hợp. Nói chung, từ ngữ “bố cục” có hai ý nghĩa riêng biệt, nhưng gắn liền với nhau.

Trước hết, chữ “bố cục” mô tả việc sắp xếp các đối tượng và thành phần liên quan trong một tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, bố cục là một khía cạnh chủ yếu của một tác phẩm nghệ thuật đẹp. Hầu như không thể nêu bật được hết tầm quan trọng của bố cục. Bất kỳ nghệ sĩ nào cũng phải chú tâm đến bố cục cho tác phẩm của họ. Một bố cục được gọi là hay khi có đầy đủ chi tiết. Sẽ là dở khi có quá ít yếu tố, vì như thế sẽ làm cho tác phẩm mất đi chi tiết cần thiết để có thể đưa ra được lời diễn giải với người xem. Điều này cũng làm hỏng sự cân đối của một bức ảnh. Ngược lại, có quá nhiều yếu tố trong tác phẩm thì cũng có thể dễ gây mất tập trung, phân tán sự nhìn của người xem. Bố cục tốt đòi hỏi sự cân đối tốt. Như vậy, hãy bảo đảm mọi yếu tố cần thiết phải có mặt, hay nói cách khác cái có mặt thì phải cần thiết cho ý tưởng hoặc câu chuyện mà bạn đang tìm cách diễn đạt ngay trong tác phẩm của mình.

Trong một số trường hợp, chính bố cục có thể tự nó là một tác phẩm nghệ thuật, mà tự nó đồng nghĩa với từ ngữ “bố cục”. Chẳng hạn, khi nói về một sắp đặt hoặc một vũ điệumột câu văn, thì cụm từ “tác phẩm này…” có thể được dùng đến. Định nghĩa như vậy cũng được sử dụng rộng rãi đối với âm nhạc và hội họa (người sáng tác được gọi là tác giả).

image 317

Bố cục trong Nhiếp Ảnh là gì? Tại sao nó lại quan trọng?

Sau khi hiểu định nghĩa tổng quát của chữ “bố cục” là gì, chúng ta dễ hình dung ra ý nghĩa của nó trong nhiếp ảnh. Nói một cách đơn giản, đặt bố cục cho một khung ảnh nghĩa là sắp xếp các yếu tố / thành tố / thành phần / bên trong nó, sao cho phù hợp với ý tưởng hoặc mục tiêu cốt lõi của tác phẩm mà người chụp muốn. Việc sắp xếp các yếu tố có thể được thực hiện bằng cách bố trí các đối tượng hoặc chủ thể. Chụp ảnh đường phố thì đòi hỏi phải có sự tiên liệu, bởi lẽ người chụp không có chọn lựa sắp xếp các đối tượng, mà phải chờ các đối tượng xuất hiện ở vị trí thích hợp nhất trong khung hình. Mặt khác, để sắp xếp các thành tố trong khung ảnh, là người chụp phải tự thay đổi vị trí của chính mình trong các hoàn cảnh không cho phép người chụp tự bố trí mọi thứ về mặt vật lý của bối cảnh.

  • Sắp đặt bố cục là cách hướng mắt của người chụp đến những yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm, đôi khi theo một thứ tự rất riêng biệt. Đó là lý do tại sao đưa ra chọn lựa sắp đặt bố cục dồi dào ý tưởng trước khi chụp một bức ảnh là một trong những bước quan trọng.
  • Một bố cục tốt có thể giúp tạo ra một kiệt tác, ngay cả với những vật thể và đối tượng vô tri vô giác nhất trong môi trường đơn giản nhất.
  • Một bố cục tồi có thể hủy hoại hoàn toàn một bức ảnh, cho dẫu chủ đề có hấp dẫn đến mấy.
  • Việc cắt xén đôi lúc có thể cứu được một bức ảnh, nhưng chỉ khi việc dựng lại khung hình cho chặt chẽ hơn hoặc xóa bỏ phần dư thừa vô nghĩa, hoặc cân chỉnh lại tỉ lệ cho khung hình cân đối.
  • Sắp đặt bố cục không chỉ là đặt các đối tượng vào vị trí nào, chỗ nào trong khung ảnh là xong; hoặc cứ theo các điểm mạnh, đường mạnh mà đặt đối tượng vô đó là xong. Người cầm máy dùng tất cả mọi cách về kỹ thuật như tính toán khoảng cách lấy nét, khẩu độ, góc chụp… ảnh hưởng rất lớn đến việc sắp xếp bố cục của bạn. Có bạn sẽ nói rằng bố cục mà lôi mấy thứ kỹ thuật phức tạp vô làm chi!

Tại sao mình lựa chọn các bố cục này?

  • Dễ hiểu và nhanh chóng có tấm ảnh ấn tượng khi đi chơi, đi du lịch với bạn bè người thân chỉ sau một thời gian ngắn để học và luyện tập.
  • Có mặt khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày, dễ dàng thực hành mọi lúc, mọi nơi.
  • Phù hợp với hầu hết các thể loại nhiếp ảnh.

Gợi ý 5 bố cục kinh điển, dễ học và dễ áp dụng

Bố cục cân bằng thị giác

Khi tìm hiểu loại bố cục này mình, mình nhận ra là cân bằng không chỉ nói về sự đối xứng giữa 2 bên trong một tấm hình mà nó có đến 3 loại: Đăng đối; Bất đối xứng; Không gian âm.

Ưu điểm:

  • Tạo sự đồng điệu hoặc tương phản lớn cho tấm ảnh, dễ gây ấn tượng và sự tò mò cho người xem.

Cẩn thận khi sử dụng:

  • Loại bất đối xứng trong bố cục này dễ khiến tấm hình rời rạc nếu không có sự liên kết, hỗ trợ ý nghĩa cho nhau một cách chặt chẽ.
  • Ở không gian âm, nếu như không gian lớn hoặc nội dung trong không gian nhỏ không có gì đặc biệt về sự kiện, màu sắc v.v… thì tấm ảnh cũng sẽ trở nên vô hồn.
image 320

Sự cân bằng trong một bức ảnh là cân bằng thị giác. Cân bằng thị giác không hẳn là cân bằng như cán cân qua một trục mà nó dựa trên nguyên lý hướng tâm, ly tâm, xoắn ốc, với tỷ lệ không gian, với đường nét, tương phản, khối màu sắc có tính chủ đạo hòa hợp trong tổng thể bức ảnh, tạo nên sự cân bằng thị giác. Một bức ảnh dễ nhìn là một bức ảnh có sự cân bằng thị giác.

Bố cục khung trong khung

Sử dụng một hoặc nhiều khung nằm trong khung lớn của bức ảnh. Giải pháp này làm cho thị giác tập trung vào khung hình nhỏ chứa nhiều nội dung hơn. Loại đi các chi tiết không cần thiết xung quanh.

Ưu điểm:

  • Dễ xài, dễ áp dụng, nó có mặt ở khắp nơi. Khi đã xác định chụp một nội dung gì đó thì nhìn ra sau kiếm 1 cái cổng, cái cửa nào đó hoặc nhìn xuống kiếm mấy lỗ xuyên qua hàng rào v.v…
  • Dễ dàng cô đọng nội dung, tấm ảnh có bố cục chặt chẽ, giúp người xem ảnh tập trung vào câu chuyện nhanh hơn.
  • Dễ dàng loại bỏ những chi tiết thừa không đóng góp ý nghĩa cho bức ảnh.

Cẩn thận khi sử dụng:

  • Do đóng khung nên anh chị và các bạn tránh nó trở thành nhìn lén, hay bức ảnh chật chội quá mức (trừ khi mình muốn như vậy để phù hợp tại lúc chụp).
  • Một bức ảnh có nhiều khung, không nhất thiết chỉ có 1.
EOS R50 02

Bố cục tỷ lệ 1/3

Bố cục này quá quen thuộc và kinh điển, tưởng tượng khung ảnh sẽ được chia làm 9 phần gần bằng nhau, tạo thành các điểm mạnh (giao điểm giữa các đường chia khung ảnh), đường mạnh và khu vực vàng (vùng giữa ảnh). Đặt chủ thể muốn chụp vào các vùng đó khi bố cục để tổng thể các thành phần trong khung ảnh được hài hòa.

Cẩn thận khi sử dụng:

  • Tấm ảnh trống trải hoặc không có nội dung ở 2/3 còn lại của tấm ảnh.
  • Đôi khi người chụp lại dành quá ít không gian cho chủ đề mình chụp ở bố cục này, dẫn đến tấm hình chưa truyền tải hết nội dung mà người chụp mong muốn.
image 321

Bố cục đường dẫn

Đường dẫn mắt giúp tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các nhóm đối tượng trong ảnh. Các đường dẫn sẽ thu hút thị giác và dẫn đến chủ thể chính của tác phẩm. Gợi ý tìm đường dẫn: đường đi, đường tàu, bóng đỏ

Ưu điểm:

  • Chất liệu cho loại bố cục này xuất hiện ở khắp mọi nơi, lan can, đường đi, cạnh bàn.
  • Người chụp dễ dàng dẫn dắt hướng nhìn của người xem vào nội dung mình muốn trên tấm ảnh.

Cẩn thận khi sử dụng:

  • Ở điểm cuối đường dẫn phải có nội dung và ý nghĩa người chụp muốn truyền tải.
image 324

Bố cục lắp đầy khung ảnh

Bằng cách lắp đầy khung hình, chủ thể chiếm gần hết diện tích toàn khung, người chụp loại trừ đi những yếu tố không cần thiết. Không còn tiền cảnh, hậu cảnh hay các chi tiết phụ, tập trung hoàn toàn vào chủ thể. Bản thân mình sử dụng bố cục này nhiều nhất khi chụp chân dung.

Ưu điểm:

  • Hút mắt và gây ấn tượng cho người xem vào chi tiết trên chủ thể.
  • Áp dụng được với mọi thể loại ảnh, sau khi có những góc toàn và góc trung bình rồi thì sử dụng bố cục này để đặc tả chủ thể.

Cẩn thận khi chụp:

  • “Đến gần hơn, nhưng không quá gần” – Tuanlionsg.
image 325

Chia sẻ phương pháp luyện tập

  • Chọn một bố cục để luyện tập.
  • Xem các tài liệu, video và sưu tầm thật nhiều ảnh về bố cục đã chọn.
  • Thực hành liên tục cho đến khi mình có được 5 tấm ảnh ưng ý với bố cục đã chọn.
  • Lặp lại với bố cục tiếp theo.

Lưu ý:

  • Khi đã xác định một bố cục thì chỉ xem và thực hành bố cục đó thôi, tránh lan man và thực hành quá nhiều thứ cùng lúc.
  • Chụp với bất kỳ thiết bị gì, không nhất thiết phải là máy ảnh.

Chúc anh chị và các bạn có nhiều ảnh đẹp ^^

Xem thêm:

Chia sẻ cách tự học nhiếp ảnh cơ bản tại nhà đơn giản và hiệu quả

Bài liên quan