Apple ProRAW và tham vọng của Apple về nhiếp ảnh trên điện thoại (P2)

-

phần 1 chúng ta đã tìm hiểu về Raw và cách thức ghi nhận hình ảnh của máy ảnh số. Ở phần 2 này chúng ta sẽ đi sâu hơn về file Raw. Vì sao file Raw lại có ý nghĩa lớn đối với nhiếp ảnh số.

https://ontop.vn/9569/apple-proraw-va-tham-vong-cua-apple-ve-nhiep-anh-tren-dien-thoai-p1

File Raw là gì?

Chúng ta chỉ là người chỉnh sửa ảnh! Câu này có ý nghĩa lớn hơn bạn tưởng. Ngay cả khi bạn là nhiếp ảnh gia chụp ra bức ảnh thì bạn cũng không phải 100% là người tạo ra bức ảnh. Bạn chỉ là người phát triển bức ảnh kỹ thuật số đó dựa trên những gì mà máy ảnh khởi tạo ra.

Có một sự thật là ở mỗi bước xử lí thông tin từ lúc bắt đầu cho đến khi bạn được file ảnh thì nó đều mang tính tiêu hủy dần thông tin hình ảnh. Điều này cũng giống với các bước mà bạn chỉnh sửa ảnh hậu kì về sau. Cứ mỗi bước xử lí có nghĩa là bạn đang gọt dần những thông tin của file.

Ví dụ như ở bước 2 mà ta đã nói ở phần 1. Một khi các thuật toán tìm cách chuyển các pixel màu trong vùng mắt người nhận được vào vùng mà thiết bị có thể hiển thị được. Chúng ta sẽ mất thông tin hình ảnh và từ đó ta không thể biết được chính xác màu sắc trong thế giới thực tế như thế nào.

Lấy một ví dụ để bạn dễ hiểu nhé. Sự kiện cháy rừng ở Califonia gần đây đã chuyển toàn bộ bầu trời sang một màu cam. Nếu bạn phó mặc cho chiếc máy ảnh làm tất cả một cách tự động thì thay vì nó chụp một bức hình có màu thực là màu cam, thì nó sẽ tự động cân bằng để có một bức ảnh mà nó cho là đúng.

Và chúng ta sẽ không cảm nhận được một tí gì gọi là cháy rừng ở đây nữa:

Ứng dụng camera có sẵn sẽ không biết tại sao bầu trời lại có màu cam. Nó sẽ cố gắng làm mọi thứ trở về màu sắc tự nhiên bình thường mà cơ sở dữ liệu của nó hiểu là trời thì phải xanh. Nếu không xanh thì xám.

Một số người rành công nghệ và nhiếp ảnh sẽ cố gắng can thiệp bằng tay để chụp một bức ảnh trong giống với thực tế nhất có thể. Nhưng nếu bạn không biết gì thì sản phẩm chụp được sẽ là một tấm hình JPEG trật lất màu. Sau đó, bạn lấy cái hình trật lất đó với bầu trời màu xám bỏ vào Lightroom để thử giả lập lại thực tế. Kết quả bạn sẽ có một tấm ảnh đại khái thế này.

Những nỗ lực tái chế một file JPEG càng khiến nó trông càng sai lệch hơn. Ở đây có thể thấy như màu xanh dương giờ đã thành màu tím.

Nỗ lực tái chế một bức ảnh đã qua xử lí nhiều công đoạn như định dạng JPEG nó nực cười tương tự như bạn cố gắng đảo ngược một cái bánh nướng thành cái bánh chưa nướng vậy. Bởi vậy một khi để máy ảnh tự xử lí và lưu bức ảnh dưới dạng JPEG thì bạn nên chấp nhận kết quả mà mình nhận được thì hơn. Vì chả có cách nào sửa chữa được nữa.

Giờ hãy thử nghĩ xem nếu thay vì lưu file JPEG, camera cho phép bạn lưu những thông tin gốc từ cảm biến ảnh. Bạn được toàn quyền đưa ra các quyết định xử lý các thông tin của bức ảnh bằng từ cân bằng trắng đến màu sắc độ nét… Có thể nói, bạn được tiếp cận với dữ liệu thô của hình ảnh.

ĐÓ LÀ FILE RAW

Vì sao nên chụp ảnh ở định dạng Raw?

Ai mà không thích file Raw khi nó đem lại một sức mạnh ảo diệu. Chỉ với một vài thao tác đơn giản bạn có thể cứu những bức hình mà bạn nghĩ nó thiếu hay dư sáng. Chuyện này thực tế là bạn nghĩ mà thôi. Thực tế thiếu sáng hay dư sáng chỉ mang tính tương đối khi bạn so sánh nó với thiết bị hình ảnh của bạn. Lượng thông tin hình ảnh từ file thô nó vẫn vô cùng nhiều và hành động mà bạn gọi là “cứu” những bức ảnh bị cháy sáng, thiếu sáng hay sai màu đó chẳng qua đó là cách chúng ta lựa chọn lại những chi tiết đang nằm ngoài ranh giới hiển thị cơ bản của thiết bị hiển thị. Cụ thể là màn hình.

Nói nôm na là màn hình của bạn chỉ có thể hiển thị 8-bit màu. Nói là 8-bit nhưng thực tế màn hình phổ thông có khả năng hiển thị file 8-bit nhưng số lượng chi tiết chỉ tầm khoảng 6-bit. Một file JPEG là file hình 8-bit. Nó vừa khít lượng thông tin hiển thị của màn hình nên bạn làm gì đi nữa thì càng làm nó chỉ càng có khả năng mất chi tiết dần đi sau mỗi bước. Nếu một bức ảnh 8-bit bị tối thì thì bạn không có cách nào kéo phần tối lên nữa vì nó hoàn toàn không chứa thông tin ẩn mà mắt chúng ta hay màn hình không hiển thị được.

Những file thô sẽ nhiều hơn 8-bit ở mỗi kênh màu. Nó có thể là 10, 12, 14 hay thậm chí 16-bit. Nên việc bạn chụp file RAW mà nhìn có bị tối hay dư sáng thực ra là do khoảng hiển thị nó chọn 8-bit hơi lệch và nó vẫn còn dư thông tin để chúng ta điều chỉnh lại khoảng nhìn thấy được. Tức là các file thô ngoài những gì mà bạn nhìn thấy trên màn hình thì nó còn chứa các thông tin hình ảnh không được hiển thị. Việc “cứu” ở đây tức là làm cho nó hiển thị lại.

Đó là cách hiểu chính xác về mặt công nghệ. Thực tế còn hiểu theo cách mà các bạn chụp hình vẫn hiểu đó là file Raw cho phép ta sửa chữa sai lầm của những bức hình bị lỗi. Lỗi ở đây có nhiều lí do lắm. Nhưng cuối cùng lỗi tức là một bức hình không như ý.

Về mặt sáng tạo thì Raw chứa đựng một lượng thông tin lớn vượt trội so với những gì mà màn hình và mắt người có thể nhìn thấy. Cho nên khi hậu kì ta có dư một lượng lớn thông tin ẩn để xử lí, thêm thắt, chuyển đổi, phát triển và sáng tạo nghệ thuật. Giúp cho một bức ảnh trở nên ấn tượng hơn bởi cách chúng ta thu thập tái tạo các điểm ảnh từ chỗ bị ẩn thành ra hiển thị rõ ràng trước mắt. Còn với JPEG, những gì bạn nhìn thấy là những gì mà nó có. Mọi cố gắng thêm thắt sửa chữa chỉ làm cho nó càng mất đi dữ liệu mà thôi.

Đây là một ví dụ dễ thấy. Bên trái là một bức hình trung tính, bên phải là một bức hình được xử lí trong có vẻ hoàng hôn tím một tí. Và bạn biết gì không? Nếu hình gốc là file JPEG thì quá trình xử lí là thêm ánh tím vào trong bức hình. Nhưng với Raw, nó vốn có một dư lượng màu tím có sẵn. Việc của chúng ta là làm nó hiển thị lên. Màu tím là cách nói của người đang xem ảnh còn với mình là một người có kinh nghiệm trong xử lí hình ảnh thì chính xác bức hình bên phải nó có màu BLUE.

Các bạn có biết máy phim truyền thống chứ? Ảnh từ máy phim truyền thống được tạo ra dựa trên phim âm bản. File Raw với dữ liệu thô (Raw) thường được lưu trữ dưới định dạng DNG format. DNG ở đây tức là D​igital ​Ne​gative, một dạng âm bản kỹ thuật số. Một số nhà lập trình ứng dụng máy ảnh cho thiết bị di động có thể tạo ra định dạng riêng của họ nhưng hầu hết nó khá là thọt.

Bạn đừng hiểu nhầm lưu dưới định dạng DNG thì buộc phải có phần đuôi mở rộng là DNG nhé. DNG là một định dạng mở cho phép các nhà phát triển tạo ra phần mở rộng của riêng họ nhằm mang tính bảo mật và các thuật toán thông tin riêng.

Vì DNG là một chuẩn mở nên bất kì ai hay công ty nào cũng có thể tạo ra phần mềm để đọc/ghi nó. Nhờ vậy nó ngày càng phát triển, chúng ta sẽ nói ngay sau đây. Nhưng giờ là lúc nói về một vài tin xấu.

Hạn chế của file RAW trên nhiếp ảnh di động

Halide đã tạo ra phần mềm chụp ảnh Raw trên iOS. Tất nhiên vì họ là những người yêu thích file RAW và đương nhiên họ cũng nhận được rất nhiều câu hỏi nhờ hỗ trợ về file Raw. Và bạn biết câu hỏi họ nhận được nhiều nhất là gì không? “Tại sao file Raw trông nó chán đời và tệ hơn khi chụp JPEG bằng app có sẵn trên iPhone vậy“?

Khi nói về Camera của iPhone, đó là một sự kết hợp phải nói là khá tuyệt vời giữa phần cứng, vi xử lí và cả ứng dụng với trải nghiệm người dùng đơn giản một cách hoàn hảo.

Camera của iPhone càng lúc càng xịn hơn theo thời gian. Xịn lên một cách bất ngờ. Ban đầu nó là những bước nhảy vọt về phần cứng như cảm biến xịn hơn, lớn hơn. Ống kính cũng vậy, khẩu độ lớn hơn, chất lượng thấu kính tốt hơn. Nó tạo ra những bức ảnh có độ nét đáng kinh ngạc. Tuy nhiên có một sự thật hiển nhiên rằng iPhone là smartphone chứ không phải máy ảnh. Bộ vi xử lý trung tâm ngày càng mạnh hơn, nhanh hơn, xịn hơn nhưng rõ ràng bộ phận máy ảnh trên iPhone không thể lớn hơn. Nó buộc phải tiến hóa theo cách khác máy ảnh truyền thống. Máy ảnh trên iPhone đang trở nên thông minh hơn.

iPhone chụp cùng lúc rất nhiều tấm ảnh và kết hợp nó lại trong một tấm ảnh duy nhất bằng cách lấy chi tiết trong vùng tối của tấm A kết hợp với ánh sáng hợp lý trên mặt chú thú cưng ở tấm B. Rồi vài chi tiết của tấm C, D, E, những chi tiết vùng sáng của X hay Z trong chuỗi hình. Kết hợp nó lại với nhau chỉ trong vài mili-giây mà không yêu cầu bạn phải làm thêm bất kì điều gì khác. Hoặc nó cho rằng bạn cũng không cần phải quan tâm điều đó làm gì đâu. Bấm chụp thôi là được. Và tất nhiên với phong cách của Apple không muốn bắt chước ai, cũng không muốn ai giống mình, họ đặt ra những cái tên mới lạ cho công việc quen thuộc này như Smart HDR hay Deep Fusion. Ôi Apple làm thế để đảm bảo những người quan tâm công nghệ không phải search nhầm từ khóa và ra những bài viết bậy bạ. Nên dù những gì họ làm nó không mới nhưng họ vẫn đặt tên khác. Giống như họ đẻ ra cái gọi là Face ID trong khi Windows đã có trước gọi là Windows Hello dựa trên những thuật toán đã có từ trước.

Mặt khác, đối lập với những gì ảo diệu mà máy ảnh của iPhone đang làm cho người dùng thì file Raw của iPhone hiện tại nó chỉ là một file hình đơn lẻ duy nhất. Điều đó nghe hơi… dị biệt.

Tức là iPhone đang làm nhiều thứ ảo diệu để tạo ra một thứ ảnh JPEG xịn sò mà không cần phải xài đến file Raw. Còn khi nhìn sang file Raw người ta có thể như bị dội một gáo nước lạnh.

Mọi người thường nghĩ đến file Raw là một thứ gì đó giúp họ có được hình ảnh đẹp hơn, xịn hơn. Nhưng thực tế khi bạn đang xài tính năng chụp hình cơ bản tự động của iPhone mà chuyển sang chế độ chỉnh tay thì nó y chang như bạn đang chạy ô tô số tự động sướng ơi là sướng, bỗng nhiên phải chuyển sang xe số sàn thì đúng là dễ bực bội và mắc kẹt với nó luôn.

Và để sử dụng thành thạo và hiểu RAW thì đó là một quá trình học tập đòi hỏi nghiêm túc và có nền tảng. Đó là lí do tại sao đội ngũ Halide đã xây dựng một thứ gọi là Instant RAW ​được giới thiệu cùng với bản cập nhật Halide Mark ii vừa rồi. Đó là một cách mà bạn không cần phải mất cả buổi trời tinh chỉnh mà vẫn dễ dàng có ngay hình ảnh đẹp. Theo đuổi những gì mà camera tích hợp sẵn của iPhone đã làm nhưng ở một cấp độ chất lượng vượt trội hơn với khả năng tùy chỉnh mở rộng về sau vô cùng phong phú.

Nhưng có một sự thực mà đội ngũ Halide phải thừa nhận là, dù họ có sáng tạo ra loại Raw mì ăn liền Instant RAW hay cố gắng edit từ file Raw truyền thống thì kết quả cuối cùng vẫn khác biệt với những gì mà app máy ảnh tích hợp trên iPhone đang làm được. Ờ thì nó có khác biệt theo chiều hướng đẹp hơn, dễ dàng hơn không đòi hỏi gì ở người chụp.

Và chính điều này làm nên một sự thực đáng thất vọng cho những người có kỹ năng cao về Raw là họ có thể hí hoáy rất lâu để chỉnh một bức ảnh. Nhưng lại cho kết quả chưa chắc tốt bằng một người chả cần biết gì, chỉ cần có tiền mua iPhone 12 Pro Max là được. Và lúc này chúng ta nhận ra chính xác cái thứ còn thiếu duy nhất của file Raw chính là sự thông minh của Apple trong nhiếp ảnh điện toán. Ví dụ như Smart HDR hay Deep Fusion. Chú ý mình dùng từ nhiếp ảnh điện toán vì trong tài liệu Halide cung cấp họ dùng thuật ngữ Computational Photography.

Apple nổi tiếng bảo mật các thuật toán của họ nhưng ngay cả khi Apple đồng ý giao thuật toán xử lí ảnh chụp cho các bên phát triển ứng dụng thì họ cũng chả làm hơn được Apple. Nếu họ cố gắng làm hơn thì cũng chỉ là thay vì một tổ hợp ảnh JPEG thì bây giờ nó biến thành một tổ hợp ảnh Raw DNG. Nếu họ muốn làm những gì Apple làm với định dạng Raw thì bi kịch chính là cần phải có gấp 10 lần dung lượng lưu trữ. RAM, vi xử lí và pin chưa chắc sẽ trụ nổi với lượng công việc như vậy.

À còn một vấn đề nữa là máy ảnh ở mặt trước và máy ảnh góc rộng không thể chụp được Raw nữa chứ.

Nói đến đây để hiểu một vấn đề là sự thông minh trong nhiếp ảnh điện toán của Apple đã khiến cho một bức ảnh JPEG có thể tạo ra hình ảnh đẹp tuyệt vời hơn RAW. Một minh chứng rõ ràng cho công nghệ cao và ứng dụng thông minh có thể tạo ra những kết quả vượt trội hơn bạn tưởng.

Vậy là ở JPEG kết hợp với sự thông minh của công nghệ đã thắng được Raw trong cuộc chiến tạo ra sản phẩm đẹp ngay lập tức. Nhưng khả năng tùy biến về sau gần như là zero vì dù quá trình xử lí ảo diệu đến đâu thì cũng lưu dưới dạng JPEG 8-bit.

Raw có khả năng tùy biến vô biên nhưng lại không đẹp bằng JPEG + Apple Smart HDR.

ProRAW xuất hiện và giải quyết một cách trọn vẹn những yêu cầu trên. Vừa muốn có sự thông minh của nhiếp ảnh điện toán ở Apple vừa muốn có khả năng tùy biến vô biên về sau.


https://ontop.vn/9844/apple-proraw-va-tham-vong-cua-apple-ve-nhiep-anh-tren-dien-thoai-p3

Bài liên quan