Chắc hẳn, khi đi cà phê, đi du lịch thì bạn thường xuyên gặp những tình huống chụp ảnh chân cho bạn bè, người thân của mình bằng điện thoại thông minh để làm kỷ niệm. Kết quả đôi khi khiến người được chụp không hài lòng vì bạn không quen chụp ảnh chân dung hoặc là người không rành chụp ảnh.
Trong bài viết này, ONTOP sẽ chia sẻ 6 mẹo đơn giản để giúp bạn gỡ rối vấn đề trên nhanh chóng.
Chụp ở nơi có ánh sáng
Nên

Đầu tiên, cũng là quan trọng nhất. Bạn chỉ cần nhớ là đừng chụp ở trong vùng tối mà hãy kiếm chỗ nào sáng sủa mà chụp. Ánh sáng đẹp nhất, dễ thấy nhất và dễ dùng nhất là ánh sáng từ cửa sổ. Khi chụp trong nhà, trong quán cà phê thì hãy đưa mẫu ra kế bên cửa sổ. nguồn sáng lớn từ cửa sổ sẽ giúp mặt mẫu sáng đều, ít lộ khuyết điểm. Nếu chụp ngoài trời thì bạn sẽ cho mẫu đứng dưới hàng hiên của một cái cây lớn, một mái nhà, một hành lang v.v…
Sáng sớm lúc mặt trời vừa mọc và trước khi mặt trời lặn là hai thời điểm chụp ảnh chân dung đẹp nhất.
Không nên
Nhìn khung cảnh nào mà ánh sáng tại chỗ đó khiến bạn phải nheo mắt, khó chịu thì đừng chụp, chỗ đó dù đủ sáng thì ảnh cũng không đẹp.
Dù mình rất thích chụp ngược nguồn sáng vì nó giúp tóc và vai của mẫu rực lên, nổi khối hơn, nhưng nếu bạn mới tập chụp, chưa biết cách xử lý ánh sáng thì đừng chụp góc này.
Tránh chụp mẫu dưới bóng đèn, nhất là mấy cái bóng đèn trông quán cà phê vì mắt của mẫu sẽ bị đổ bóng.
Để ý hậu cảnh

Bạn nên chọn hậu cảnh phù hợp khi chụp chân dung, cụ thể:
Một hậu cảnh đơn giản sẽ làm cho người mẫu nổi bật hơn, người xem sẽ không bị phân tâm vào các chi tiết không liên quan ở phía sau, như: người đi bộ qua lại, rác v.v….
Khi chụp chân dung trên nền tối thì điện thoại sẽ ưu tiên đo sáng vào gương mặt, làm cho da mặt của mẫu sáng lên.
Đứng cách xa nền sẽ làm ảnh của bạn có chiều sâu hơn, hiệu ứng xóa phông sẽ càng nhiều hơn nếu đang chụp ở chế độ chân dung hoặc sử dụng ống kính tele.
Tránh để cây xanh, cột điện, thanh chắn, đường chân trời hay bất cứ thứ gì, cắt ngang hoặc đâm vào đầu và cổ của mẫu.
Sử dụng tiêu cự 2x trở lên

Các góc ống kính mà điện thoại trang bị cho bạn, không chỉ có tác dụng là thu phóng tầm nhìn, mà nó còn mang lại những hiệu ứng hình ảnh khác nhau.
Nếu sử dụng ống kính góc rộng 0.6x hoặc 1x thì chúng ta sẽ có hiệu ứng “gần to, xa nhỏ”, hiệu ứng này sẽ làm chủ thể bị méo, biến dạng. Càng chụp gần bao nhiêu, gương mặt của chủ thể càng phình to bấy nhiêu. Ống kích góc rộng không phải là không thể chụp ảnh chân dung, rất nhiều nhiếp ảnh gia dùng nó để tạo kịch tính cho tác phẩm của mình nhưng khi chụp cho người thân, bạn bè của mình thì bạn cần tránh.
Mọi người nên sử dụng góc 2x trở lên hoặc ít nhất là 1.5x để chụp ảnh chân dung trên điện thoại. Ngược lại ở trên, ống kính Tele sẽ giúp hình dạng của người mẫu sẽ chính xác như ngoài đời và có phần nịnh mắt hơn, đẹp hơn với các góc 3x, 5x.
Bạn xem bài này để hiểu rõ hơn về hiệu ứng tiêu cự: Tiêu cự ống kính là gì? Phân biệt các loại tiêu cự ống kính
Sử dụng chế độ chụp ảnh chân dung

Hầu hết các smartphones ngày nay đều có chế độ chụp ảnh chân dung, khi sử dụng chế độ này, bạn sẽ được:
- Làm mờ hậu cảnh: Điện thoại sẽ tự kết hợp phần cứng, là tiêu cự, khẩu độ và phần mềm, là khả năng xử lý của máy sau khi chụp để làm mờ hậu cảnh, mọi người hay gọi là xóa phông. Chế độ này trên các dòng máy cũ chưa tối ưu lắm do máy sẽ xóa phông lẹm vào tóc, vai, rìa áo của mẫu, nhưng các máy bây giờ thì mình thấy cải thiện nhiều rồi, lâu lâu chụp đồ vật như ly nước thì bị lẹm ở phần ống hút thôi.
- Camera Tele: Điện thoại sẽ tự đổi sang ống kính Tele, như mình vừa đề cập ở trên.
Bố cục

Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chia sẻ nhanh hai bố cục đơn giản nhất mà bạn có thể áp dụng ngay để có tấm ảnh chân dung đẹp hơn.
- Bố cục 1/3: Đưa người mẫu vào vị trí 1/3 bên trái hoặc 1/3 bên phải của tấm ảnh khi chụp toàn thân hoặc bán thân. Nếu bạn chụp đặc tả đầu vai, thì đưa mắt trái hoặc mắt phải của người mẫu vào vị trí tương tự.
- Bố cục trung tâm: Với bố cục này, chúng ta sẽ đặt người mẫu vào trung tâm của khung ảnh.

Để cho tấm ảnh hài hòa, bạn nên hạn chế rìa ảnh cắt vào các khớp của người mẫu như khớp ngón tay, khớp vai, khớp gối. Bên cạnh đó, hãy cố gắng chụp đủ thân thể của người mẫu, đừng để họ bị mất đi một phần trên đầu, vai, chân v.v…
Góc chụp

Khi chụp toàn thân hoặc bán thân, bạn hãy để góc máy ngang với ngực hoặc eo của người mẫu để trông họ cao và nổi bật hơn. Chụp từ trên xuống cũng đẹp nhưng nếu các bạn chưa vững tay thì sẽ dễ làm mẫu lùn đi.

Khi chụp cận cảnh thì để góc máy ngang với mũi của người mẫu để họ có một khuôn mặt hài hòa trong tấm ảnh. Tránh chụp từ dưới lên, người mẫu sẽ bị lộ rất nhiều khuyết điểm trên gương mặt, nhất là phần cằm.
6 mẹo trên tương ứng với các bước bạn cần làm lần lượt từ trên xuống, khi chụp ảnh chân dung bằng điện thoại. Đầu tiên là để ý ánh sáng, sau đó là phông nền, tiếp theo là các bước chuẩn bị máy, bố cục và góc chụp. Mình thấy cũng hơi nhiều bước để nhớ nhưng luyện tập dần là sẽ quen ngay thôi. Chúc bạn có nhiều ảnh đẹp.
Xem thêm: