Vụ kiện giữa Apple vs. Developer là gì? Người thắng rốt cuộc là ai?

-

Ngày 26/8, Apple công bố những thay đổi trong chính sách vận hành App Store để đáp ứng mong mỏi của các developer. Đó là kết quả của một vụ kiện từ năm 2019 giữa một nhóm các developer tại Mỹ kiện Apple về việc Apple lạm dụng quyền điều hành App Store làm ảnh hưởng đến thu nhập của developer thông qua mức phí cao đến 30%. Vụ kiện thu hút nhiều ý kiến trái chiều chứ không hẳn chỉ cho rằng người thắng là phía các lập trình viên.

Theo tờ New York Times, mặc dù Apple nói họ đã nhượng bộ các developer trong vụ kiện này, thậm chí còn phải chi ra 100 triệu đô nhưng nếu suy xét kỹ sẽ thấy nhiêu đó chẳng là gì đối với Apple. Apple mới chính là người chiến thắng.

Có nhiều chỉ trích nói những chính sách mới thực chất có ảnh hưởng rất ít đến tình hình chung trước đó. Quyền hành của Apple vẫn còn đó và không bị lung lay nhiều. Sau đây là tóm tắt những thông tin cốt lõi của vụ kiện.

Vụ kiện giữa Apple vs. Developer là gì? Người thắng rốt cuộc là ai? Trong hình: CEO Tim Cook của Apple.

Vì sao developer kiện Apple?

Vì họ cho rằng mức phí 30% quá cao. Apple thu phí 30% trên doanh thu mà mỗi developer kiếm được thông qua App Store. Bao gồm tiền bán app, bán In-app Purchase và Subscription. Thực tế bất cứ Appstore hay chợ game nào cũng đều thu phí developer xem như là phí dịch vụ. Phí phát triển cơ sở hạ tầng để developer có nơi đăng app lên bán kiếm tiền.

Một số ước tính cho thấy Apple thu được gần 20 tỷ USD mỗi năm từ khoản phí này.

Lý do kiện tiếp theo là vì Apple ngăn cấm không cho developer trực tiếp liên hệ người dùng của Apple để lựa chọn hình thức thanh toán khác. Tức là thanh toán ngoài hệ thống của Apple để né khoản phí 30%.

Apple phải nhượng bộ những gì?

Giờ vụ kiện đã gần như đi đến hồi kết, chỉ còn chờ phán quyết sau cùng của tòa. Dưới đây là những thỏa thuận chung giữa Apple và nhóm các developer trong vụ kiện mà Apple nói là họ đã nhượng bộ khá nhiều:

  1. Tiếp tục duy trì chương trình ‌’App Store‌ Small Business Program’ trong ít nhất 3 năm nữa. Chương trình này dùng để hỗ trợ các developer nhỏ lẻ có doanh thu mỗi năm dưới 1 triệu USD sẽ chỉ phải đóng mức phí là 15% thay vì 30%.
  2. Kết quả tìm kiếm trên App Store sẽ tiếp tục dựa trên những thông số khách quan như lượt Download, Rating, độ liên quan của từ khóa và User Behavior Signals. Duy trì như vậy trong ít nhất là 3 năm tới.
  3. Apple sẽ cho phép các developer có thể giao tiếp với khách hàng của họ, ví dụ như qua email, để bàn về các phương thức thanh toán khác ngoài App Store. Những giao dịch này sẽ không bị Apple thu phí. Nhưng trước khi liên hệ cần có sự đồng ý của người dùng và người dùng cũng có quyền từ chối.
  4. Apple sẽ mở rộng khung giá trong App Store từ dưới 100 mức giá thành trên 500. Developer không còn bị buộc phải định giá ở các mức cứng nhắc như $0.99, $1.99 mà có thể định giá thoải mái hơn ví dụ như $0.49 hay $1.29. Điều này có ý nghĩa khá nhiều vì nó giúp developer có thể bán đúng giá sản phẩm của họ trên nhiều nền tảng thanh toán (PayPal, Credit, App Store…), thay vì phải đăng giá App Store mắc hơn những kênh còn lại.
  5. Apple sẽ duy trì mục cho phép developer có thể kháng cáo khi app của họ bị từ chối lúc xét duyệt trên App Store. Trên website App Review, Apple cũng phải để thông tin cụ thể để developer hiểu rõ về quy trình kháng cáo.
  6. Hàng năm, Apple sẽ phát hành một bản báo cáo minh bạch về quá trình xét duyệt app trên App Store và tỷ lệ app bị từ chối, lý do bị từ chối, số lượng người dùng và account bị khóa mỗi năm, dữ liệu về từ khóa được tìm kiếm, kết quả tìm kiếm và số lượng app bị xóa khỏi App Store.
  7. Apple sẽ chi 100 triệu USD cho các developer, cụ thể là chia cho các developer có app trên App Store. Số tiền này được xem là quỹ Small Developer Assistance Fund. Mỗi developer có thể claim được số tiền từ $250 đến $30,000. Điều kiện để claim là tổng doanh thu mỗi năm phải dưới 1 triệu USD trên App Store US, tính từ ngày 4/6/2015 đến 26/4/2021. Hầu hết các developer đều thỏa điều kiện này.
Các mức tiền mà developer có thể claim từ quỹ Small Developer Assistance Fund trị giá 100 triệu USD của Apple.
Các mức tiền mà developer có thể claim từ quỹ Small Developer Assistance Fund trị giá 100 triệu USD của Apple. Credit: Macrumors

Nhưng đó chẳng là gì đối với Apple

100 triệu USD so với lợi nhuận gần 22 tỷ USD Apple kiếm được chỉ trong một quý chẳng là gì cả, như Bloomberg chỉ ra.

Không tăng phí 30%, giữ nguyên cách search trên App Store trong 3 năm? Dù Apple có muốn làm ngược lại thì cũng quá lộ liễu. Apple cam kết những điều này cũng không có gì lớn lao.

Ngay cả chính sách đáng nói nhất là vụ cho phép developer email người dùng để đổi phương thức thanh toán thì thật ra nhiều công ty đã tìm cách lách luật như vậy trong suốt một thời gian dài rồi. Apple biết nhưng họ cũng mắt nhắm mắt mở. Ví dụ như Spotify. Công ty này luôn email cho người dùng để chuyển họ đến website thanh toán của riêng Spotify nhằm né phí của Apple.

Nên có lẽ không quá khó để trả lời câu hỏi ‘Người thắng rốt cuộc là ai?’ như trong tiêu đề bài viết này.

Phản ứng của dư luận

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal thuộc bang Connecticut chia sẻ trên Twitter rằng, mặc dù vụ kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng nhưng nó không xoay chuyển được hiện trạng lạm dụng App Store và nó vẫn sẽ còn diễn ra trên nhiều chợ ứng dụng khác.

Còn với App Association, một tổ chức đại diện cho các công ty IT nhỏ, cho biết các thành viên của họ cần Apple tiếp tục vai trò dẫn dắt về bảo mật, an ninh và sự an toàn để có thể giữ được niềm tin của người dùng trên các nền tảng.

Nhiều công ty khác từng trả phí cho Apple thì có vẻ cay hơn. Điển hình như nhóm Coalition for App Fairness thì cho rằng những thỏa thuận nói trên không giải quyết được những vấn đề cốt lõi của sự việc, đồng thời sẽ hủy hoại sự sáng tạo và tính cạnh tranh trong hệ sinh thái app. Họ nói thêm cái việc mà Apple hạn chế những gì mà developer có thể trao đổi với khách hàng trong giao tiếp cũng giống như việc Apple đang lạm quyền điều khiển App Store vậy.

Chiến lược truyền thông của Apple

Theo New York Times, cái cách mà Apple công bố chính sách mới với giới truyền thông cũng khiến cho người ta cảm thấy lúng túng. Apple nhắn với các phóng viên về việc mở buổi họp báo để công bố chính sách mới chỉ hai tiếng trước khi họp báo diễn ra. Khi vừa đến giờ họp báo là họ cũng đăng chính sách mới lên website luôn.

Và trong lúc rối ren đó vì ai cũng muốn lên tin sớm, người thì tweet người thì gõ bài, một đại diện của Apple đã mô tả về những chính sách này là có lợi cho phía developer. Thế là những bản tin quan trọng của ngày hôm đó đa số đều đi theo hướng ca ngợi chính sách mới.

Điều đó hóa ra lại có lợi cho Apple vì những luồng thông tin như vậy có thể giúp Apple làm nguôi ngoai bên kiện cáo, làm nguôi lòng quan tòa cũng như các nhà làm luật.

Sau cùng, có vẻ như Apple chỉ phải trả một cái giá không quá lớn để trút bỏ được một vụ kiện cáo khá là đau đầu.

XEM TIÊP

Apple thu phí 27% đối với các thanh toán bên ngoài App Store tại Hà Lan

Rõ ràng mức phí này không hề hấp dẫn so với mặc định là...

BÀI LIÊN QUAN

App Store hỗ trợ unlisted app, dành cho các tổ chức và sự kiện riêng

Un-listed app là những app có trên App Store nhưng chỉ có thể cài...

Apple sẽ chấp nhận phương thức thanh toán ngoài App Store ở Hàn Quốc, thu phí ít hơn

Apple vừa thông báo họ sẽ tuân thủ theo luật mới của Hàn Quốc,...

Có 906 nhà phát hành kiếm được hơn 1 triệu đô trong năm 2021

Theo báo cáo của Sensor Tower, trong năm 2021 có 906 nhà phát hành...

Paddle hoãn ra mắt phương thức thanh toán mới vì Apple

Ngay sau phán quyết của thẩm phán Roger trong vụ kiện Epic Games và...